Nhà chức trách Trung Quốc lần đầu chia sẻ bức ảnh toàn cảnh chụp toàn bộ cấu trúc của trạm Thiên Cung với ba module, bộ pin quang năng, cánh tay robot, và nhiều chi tiết khác. Trạm Thiên Cung ở cấu hình đầy đủ. Ảnh: CMSA Bức ảnh chụp bởi phi hành gia Thần Châu 16 từ phía trên trạm Thiên Cung trước khi tàu vũ trụ quay trở về Trái Đất vào tháng trước đánh dấu khoảnh khắc lịch sử trong chương trình vũ trụ có người lái kéo dài 3 thập kỷ của Trung Quốc. Trong ảnh là trạm vũ trụ hình chữ T hoàn chỉnh nặng 90 tấn cùng với bộ pin quang năng khổng lồ, cánh tay robot chính cùng nhiều chi tiết khác với Trái Đất làm nền ở phía sau, theo Space. Bức ảnh chụp trạm Thiên Cung, dự án bắt đầu năm 1992 và hoàn thành năm ngoái được công bố hôm 28/11 ở Hong Kong bởi một đại biểu từ Cơ quan vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA). Theo cơ quan này, phi hành gia Trung Quốc có rất ít cơ hội chụp toàn cảnh trạm Thiên Cung qua cửa sổ quan sát từ khi quá trình xây dựng diễn ra năm 2021. Nhưng hôm 30/10, sau khi tách khỏi trạm Thiên Cung, tàu vũ trụ Thần Châu 16 thực hiện chuyến bay đặc biệt qua trạm, cho phép phi hành đoàn chụp ảnh từ khoảng cách vài trăm mét. Bức ảnh trên được chia sẻ bởi Gui Haichao, nhà nghiên cứu Trung Quốc kiêm phi hành gia dân sự đầu tiên bay vào không gian. Ảnh chụp cho thấy thiết kế đối xứng của trạm vũ trụ với module lõi Thiên Hòa ở trung tâm và hai module thí nghiệm Mộng Thiên và Vấn Thiên ghép nối ở hai bên, mỗi module có một cặp pin quang năng dài 55 m. Ba module được phóng riêng rẽ và lắp ráp trên quỹ đạo. Ngoài ra, tàu vũ trụ Thần Châu 17 và tàu chở hàng Thiên Châu 6 cũng ghép nối ở mặt trước và sau của module Thiên Hòa. Cánh tay robot dài 10 m của trạm đặt ở module Vấn Thiên. Các rãnh để tiến hành thí nghiệm ngoài trạm trên module Mộng Thiên cũng có thể nhìn rõ trong ảnh độ phân giải cao. Trạm vũ trụ Trung Quốc nặng bằng 20% Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS), cấu trúc nhân tạo lớn nhất trong không gian, hoạt động ở quỹ đạo cao hơn một chút so với Thiên Cung. Nhưng trạm Thiên Cung có nhiều không gian để thực hiện thí nghiệm và cung cấp môi trường rộng rãi để phi hành gia sinh sống và làm việc hơn trạm ISS. Nhà chức trách Trung Quốc đang lên kế hoạch mở rộng trạm Thiên Cung từ cấu trúc 3 module hình chữ T thành cấu trúc 6 module hình chữ thập trong những năm tới. Theo dự kiến, trạm vũ trụ mở rộng sẽ nặng khoảng 180 tấn ở quỹ đạo thấp của Trái Đất. Trạm Thiên Cung hiện nay đang ở giai đoạn phát triển, có thể kéo dài ít nhất 10 năm. Trong khi đó, trạm ISS sẽ hoạt động tới năm 2030 và NASA cho biết chi phí phá hủy trạm có thể tiêu tốn một tỷ USD. An Khang (Theo Space) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress