Loài giun sống ở Biển Nhật Bản có cách sinh sản kỳ lạ bậc nhất thế giới khi phát triển bộ phận riêng để tách ra 'làm nhiệm vụ'. Giun syllid xanh Nhật Bản trưởng thành với một stolon cái đang phát triển. Ảnh: Mayuko Nakamura Giun syllid xanh Nhật Bản (Megasyllis nipponica) phát triển một "phiên bản mini" của mình ở phần đuôi, sau đó tách ra và tự bơi đi tìm một phiên bản mini tương tự của một con giun khác giới để ghép cặp và sinh sản. Sau đó, giun biển sẽ phát triển một phiên bản mini khác cho lần sinh sản tiếp theo. Điều khiến các nhà khoa học bối rối là làm thế nào loài giun này có thể tạo ra bộ phận sinh sản riêng, gọi là stolon. Trong nghiên cứu mới, xuất bản trên tạp chí Scientific Reports hôm 22/11, giáo sư Toru Miura từ Đại học Tokyo cùng các đồng nghiệp đã làm sáng tỏ biểu hiện gene phức tạp của loài giun thủy sinh sống ở Biển Nhật Bản. Trong quá trình lớn lên, giun phát triển song song một stolon ở phía đuôi. Khi trưởng thành hoàn toàn, stolon chứa đầy giao tử (trứng hoặc tinh trùng), trải qua quá trình stolon hóa và tách ra khỏi thân giun. Ở giai đoạn này, nó đã phát triển đầy đủ các lông cứng để bơi, thậm chí có cả mắt và râu. Stolon sau khi tách ra sẽ bơi đi, tìm kiếm một stolon khác giới để giải phóng giao tử của mình. Khi đó, nó sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, con giun ban đầu vẫn sống tiếp và sẽ mọc một stolon mới, lặp lại quá trình tương tự. Các nhà sinh vật học tiến hóa tin rằng giun biển Nhật Bản phát triển khả năng sinh sản như vậy vì chúng cho phép cơ thể chính tránh khỏi nguy hiểm, trong khi stolon bơi lội bên ngoài, thực hiện công việc tìm kiếm bạn tình đầy rủi ro. Điều này cũng có thể cho phép các gene của giun biển lan rộng hơn, tùy thuộc vào việc stolon bơi xa bao nhiêu để tìm thấy đối tượng mình cần. Nghiên cứu mới cũng góp phần làm rõ cách stolon phát triển trong cơ thể chính của giun biển. Nhóm chuyên gia phát hiện rằng các gene Hox, chịu trách nhiệm về cấu trúc cơ thể chung, trong trường hợp này là sự chia tách cơ thể giun, giống nhau trên khắp cơ thể chúng. Điều này khiến họ ngạc nhiên vì ban đầu, họ cho rằng biểu hiện gene sẽ khác nhau ở phần đầu và phần đuôi. Giờ đây, nhóm nghiên cứu hy vọng xác định được yếu tố nào quyết định stolon sẽ có trứng hay tinh trùng, đặc biệt là khi giun có thể phát triển lại bộ phận này trong suốt vòng đời. "Chúng tôi muốn làm rõ cơ chế quyết định giới tính và các quy tắc nội tiết làm nền tảng cho chu kỳ sinh sản ở giun syllid", Miura cho biết. Thu Thảo (Theo New Atlas) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress