Hoại tử chỏm xương đùi thường xảy ra ở nam giới trẻ tuổi, dễ dẫn đến tàn phế, có thể do chấn thương, sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, lao động nặng… "Bệnh do sự gián đoạn cung cấp máu cho đầu trên xương đùi gây ra chết tế bào xương, thường gặp ở những người hoạt động nhiều từ 20 đến 40 tuổi", bác sĩ Phan Anh Kiệt nói tại hội nghị khoa học thường niên Bệnh viện Sài Gòn ITO, ngày 18/11. Bệnh khiến vùng chỏm xương thưa dần, hình thành các ổ khuyết xương, sau đó gãy xương dưới sụn và cuối cùng gây xẹp chỏm xương đùi, mất chức năng khớp háng dẫn đến tàn phế. Đây là một loại hoại tử xương vô trùng, nguyên nhân do thiếu máu nuôi dưỡng, nên bệnh còn có cách gọi khác là hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi. BS.CK2 Nguyễn Đức Lâm, Phó Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận, cho biết bệnh diễn biến âm thầm, ít biểu hiện triệu chứng rầm rộ. Bệnh nhân thường đến viện với triệu chứng đau vùng khớp háng, đau có thể xuất hiện ở một bên hay cả hai bên khớp háng, đau tăng lên khi vận động đi lại hay đứng lâu, lúc nghỉ ngơi thì đỡ đau. Đến giai đoạn sau, người bệnh đau tăng nhiều, hạn chế hầu như vận động khớp háng bao gồm cả động tác gấp, duỗi. Bệnh có thể xảy ra do chấn thương khớp háng trật khớp hay gãy cổ xương đùi; lạm dụng rượu bia, thuốc lá; bệnh lý tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ; lạm dụng các thuốc có chứa corticoid; bệnh lý tăng đông và tắc mạch tự phát; bệnh nghề nghiệp như công nhân làm thợ mỏ, thợ lặn... Yếu tố liên quan đến bệnh là tuổi tác (bệnh có xu hướng tăng theo tuổi), chủ yếu gặp ở nam giới, người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, acid uric... Bác sĩ chẩn đoán bệnh dựa vào biểu hiện lâm sàng và các phương pháp cận lâm sàng như Xquang, phim MRI (cộng hưởng từ). Khi hình ảnh trên phim X-quang không rõ hay chưa đủ để chẩn đoán, người bệnh được cho chụp cộng hưởng từ, giúp phát hiện chính xác hoại tử chỏm xương đùi. Tùy từng giai đoạn bệnh, tổn thương ở mức độ nào mà bác sĩ có phương pháp điều trị phù hợp. Giai đoạn sớm có thể điều trị bảo tồn được chỏm xương đùi bằng cách dùng thuốc, vật lý trị liệu, giải áp chỏm xương đùi, ghép xương mác, tạo lại hình dạng xương... Do đó, người bệnh nên sớm đi khám nếu có các dấu hiệu như đau nhức khớp háng. Giai đoạn muộn, khớp háng hư hại nhiều, ảnh hưởng chức năng vận động, cần phải phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo. Ngày nay, phẫu thuật thay khớp háng xâm lấn tối thiểu giúp bảo tồn phần mềm và xương, người bệnh nhanh hồi phục, rút ngắn thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị... so với kỹ thuật mổ kinh điển. Chẳng hạn, mới đây bệnh viện tiếp nhận nam bệnh nhân 31 tuổi, làm nghề đi tàu biển, nhập viện vì đau háng trái nhiều năm, nay đau nhiều đi lại khó khăn. Bác sĩ chẩn đoán hoại tử chỏm xương đùi hai bên trái giai đoạn nặng, phải phẫu thuật thay khớp háng toàn phần. Sau mổ hai tháng, bệnh nhân có thể thực hiện tất cả động tác không giới hạn. Để phòng bệnh, bác sĩ Lâm khuyến cáo hạn chế tối đa rượu bia, bỏ thuốc lá. Thực hiện chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế dầu mỡ. Kiểm soát tốt các bệnh nội khoa như kiểm soát huyết áp, đường huyết, lipid máu... Không lạm dụng thuốc có chứa corticoid, sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Lê Phương Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress