Phục hồi nhanh sau đột quỵ nhờ tập trên máy thực tế ảo

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Nov 18, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 97)

    Sau ba tuần tập mỗi ngày 20-30 phút trên máy thực tế ảo phối hợp chương trình phục hồi chức năng, hơn 83% bệnh nhân đột quỵ não tại bệnh viện Bạch Mai đã cải thiện chức năng vận động.


    Thông tin trên được bác sĩ Nguyễn Trang Linh, Trung tâm Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại hội nghị Cập nhật các phương pháp giáo dục hiện đại và chăm sóc người bệnh an toàn, nhân kỷ niệm 55 năm thành lập Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai, ngày 17/11.

    Đột quỵ là nguyên nhân thứ ba gây khuyết tật. Khoảng 60% bệnh nhân đột quỵ biểu hiện suy giảm vận động và cần ít nhất một phần hỗ trợ trong các hoạt động thường nhật. Người bệnh còn gặp các di chứng rối loạn về nhận thức, giao tiếp, ngôn ngữ, chức năng sinh hoạt. Đây được xem là bệnh lý đa tàn tật bởi có nhiều dạng khuyết tật khác nhau ở người bệnh.

    Vì vậy, sau đột quỵ, bệnh nhân cần phải tập phục hồi chức năng. Bác sĩ Linh cho biết các nghiên cứu gần đây cho thấy tập mô phỏng theo thực tế ảo tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi sau đột quỵ, thúc đẩy cơ chế tái cấu trúc của não với tính linh hoạt và dễ kích thích của vỏ não.

    Tại Trung tâm Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai, hơn 60 bệnh nhân tham gia vào cuộc nghiên cứu phối hợp tập luyện trên máy thực tế ảo với chương trình phục hồi chức năng, kết quả khả quan. Sau ba tuần liên tiếp, mỗi tuần 5 ngày tập 20-30 phút trên máy thực tế ảo phối hợp với chương trình phục hồi chức năng, hơn 83% bệnh nhân đột quỵ não đã cải thiện chức năng vận động và sức bền chi trên.

    "Ứng dụng thực tế ảo phối hợp chương trình phục hồi chức năng cho thấy hiệu quả vận động của bệnh nhân đột quỵ não được cải thiện", bác sĩ Linh nói, thêm rằng thực tế ảo là kỹ thuật sử dụng trên máy tính cho phép tất cả người sử dụng tương tác với môi trường kích thích đa giác quan và nhận lại phản hồi trên thời gian thực.


    [​IMG]

    Bệnh nhân vận động theo mô phỏng thực tế ảo tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp


    Phục hồi chức năng sau đột quỵ giúp người bệnh học lại những động tác quen thuộc như một đứa trẻ, từ tập đi, nói, cầm nắm vật dụng... Tổ chức Y tế Thế giới chia quá trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ làm 4 giai đoạn. Sau giai đoạn tối cấp diễn ra trong 48 giờ đầu ưu tiên cứu sống, người bệnh bước vào giai đoạn hồi phục sớm.

    Giai đoạn hai này diễn ra từ sau 48 giờ đến ba tháng, là giai đoạn "vàng", tuy nhiên thực tế không phải bệnh nhân nào cũng tiếp cận sớm. Giai đoạn tiếp theo diễn ra 3-6 tháng sau đó, cũng là giai đoạn phục hồi tốt nhưng chậm hơn. Sau 6 tháng, bệnh nhân chuyển sang giai đoạn mạn tính. Sau một năm, tổn thương do đột quỵ cơ bản đã định hình, khả năng thay đổi phục hồi không còn nhiều song có tập luyện vẫn tốt hơn.

    Các bài tập ngôn ngữ trị liệu và hoạt động trị liệu cũng rất cần thiết ở giai đoạn người bệnh đã có những tiến triển hồi phục tốt. Quá trình tập này nhằm giúp họ có khả năng giao tiếp, tự độc lập trong sinh hoạt hằng ngày cũng như hoạt động nghề nghiệp về sau.

    PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai, đánh giá các chương trình thực tế ảo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng được sử dụng nhiều trong điều trị. Chương trình giáo dục được cập nhật từ các nước phát triển, đào tạo điều dưỡng viên vừa phối hợp vừa độc lập các bác sĩ trong chăm sóc người bệnh.

    Thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam thêm khoảng 200.000 người đột quỵ. Trước đây, đột quỵ đứng thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong (sau ung thư, tim mạch), nay đã vượt ung thư và giữ vị trí hai. Đặc biệt, tuổi người đột quỵ ngày càng trẻ.

    Lê Nga


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Phục hồi nhanh sau đột quỵ nhờ tập trên máy thực tế ảo

Share This Page