AI tác động đến việc làm của nhân sự IT Việt thế nào

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Nov 16, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 74)

    Ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng Đại học FPT, cho rằng AI đang cướp nhiều việc của nhân sự công nghệ thông tin, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội mới.


    Tại hội nghị nhân sự TalentX 2023, do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) tổ chức ngày 15/11 ở Hà Nội, ông Hoàng Nam Tiến cho biết coding (lập trình) và testing (kiểm tra) là hai bước quan trọng trong bảy công đoạn của nghề làm phần mềm. Tuy nhiên, 40% kỹ sư ở mảng này đứng trước nguy cơ mất việc vì AI. Bên cạnh đó, 50% số dòng code của các ngôn ngữ lập trình phổ biến, ví dụ Java, hoàn toàn có thể thực hiện bởi trí tuệ nhân tạo.

    Theo ông, AI và robot đang giúp năng suất ở nhiều khâu trong quá trình làm phần mềm lên gấp 2-3 lần. Vì vậy, nếu không có định hướng tốt và trau dồi thêm những kỹ năng mới, nhiều lập trình viên sẽ không thể cạnh tranh với AI.

    Tuy nhiên, ông nhấn mạnh AI, đặc biệt là AI tạo sinh, cũng mở ra nhiều cơ hội mới, nhất là đối với thế hệ Gen Z. "Từ cách đây bốn năm, tôi đã nói rằng sinh viên công nghệ thông tin không chỉ nên học lập trình mà phải nhiều hơn thế, như AI, blockchain... Những công nghệ này sẽ mang lại cơ hội việc làm có giá trị cao hơn, được trả lương nhiều hơn cho nhân sự IT".

    Trong khi đó, ông Phan Hồ Hà Phương, Trưởng phòng Giải pháp AI của FPT Smart Cloud, cho rằng tương tự các ngành nghề khác, lĩnh vực IT có một số việc mang tính chất lặp đi lặp lại, không quá phức tạp, dễ bị AI thay thế.

    "Dự kiến đến 2030, tỷ lệ tự động hóa có thể đạt 30-40%. Những công việc nhàm chán dạng này sẽ được máy móc đảm nhiệm và nhiều người sẽ bị ảnh hưởng", ông nói.

    [​IMG]

    Kỹ sư lập trình tại Việt Nam. Ảnh: Funix


    Xu hướng giảm phúc lợi và quy mô nhân sự ngành IT không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn xuất hiện trên toàn cầu. Tại sự kiện, ông Nguyễn Tuấn Huy, Ủy viên Ban thường vụ Vinasa, dẫn thống kê đầu 2023 từ các tổ chức quốc tế rằng thị trường công nghệ đã giảm hơn 94.000 việc làm. Những công ty công nghệ lớn như Microsoft, Alphabet, Amazon cũng tiến hành thu hẹp đáng kể nhân sự. Meta cắt giảm hơn 11.000 người, Google sa thải 12.000 nhân viên, mạng xã hội X của tỷ phú Elon Musk giảm hơn 6.000 người.

    "Những con số này chỉ là một phần nhỏ trong chuỗi sụt giảm nhân sự được dự báo sẽ tiếp tục lan tỏa", ông nói. Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh nhân sự IT.

    Các chuyên gia cho biết nhiều sinh viên, kỹ sư công nghệ đã chuyển hướng sang mảng AI nhằm bắt kịp xu thế. Theo thống kê toàn cầu của nền tảng dạy học trực tuyến Udemy, nhân sự học các kỹ năng liên quan đến AI đã tăng 60%. ChatGPT đứng đầu trong danh sách 10 kỹ năng được người làm trong ngành công nghệ - tài chính lựa chọn nhiều nhất.

    "Việc học thêm về AI cho thấy nhân sự IT đã nhận thức được xu hướng, qua đó tìm cách thay đổi để thích nghi", ông Hà Phương cho biết. Dù vậy, ông cho rằng việc ồ ạt tìm đến mảng AI cũng tạo nên sự cạnh tranh lớn, trong khi ngành AI tại Việt Nam hiện chưa đáp ứng đủ quy mô việc làm. Kết quả, chỉ số ít kỹ sư có kỹ năng cao tìm được công việc như ý muốn.

    Còn theo ông Lâm Quang Nam, chuyên gia CNTT tại Vinasa, kỹ sư công nghệ cần cân nhắc kỹ khi chuyển qua lĩnh vực AI với mục đích nghiên cứu, sau đó gọi vốn để xây dựng startup cho riêng mình. Nguyên nhân là đa phần dự án AI đều "đốt" lượng tiền lớn trước khi thành công. Ở giai đoạn kinh tế khó khăn hiện tại, không nhiều quỹ đầu tư dám rót số vốn lớn cho dự án khởi nghiệp AI.

    "Thay vào đó, nhân lực IT có thể tập trung tìm hiểu mô hình AI đã hoàn thiện để tăng cơ hội việc làm. Nghề kỹ sư ra lệnh - prompt engineer - là một ví dụ", ông nói.

    Ông cho rằng ngoài kỹ năng chuyên môn, kỹ sư CNTT cần nắm được kiến thức cơ bản của ngành và mô hình hoạt động của các công ty công nghệ. "Hiện tại, nhiều kỹ sư chỉ biết code mà không hiểu rõ nhiệm vụ được giao. Phần mềm của họ có thể hoạt động tốt ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề về mở rộng, nâng cấp sản phẩm nhằm phù hợp với hệ thống, họ không làm được", ông nói.

    Theo các chuyên gia, tình trạng ảm đạm của thị trường việc làm ngành IT có thể kéo dài 2-3 năm tới. Dự kiến đến 2025, lượng việc làm tăng lên cùng với sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

    Hoàng Giang


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - AI tác động đến việc làm của nhân sự IT Việt thế nào

Share This Page