Bạch hầu lây nhiễm qua đường hô hấp và qua dụng cụ, đồ dùng sinh hoạt, tỷ lệ tử vong từ 5 đến 10%. Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch, khả năng lây lan mạnh và tạo thành dịch. Độc tố do bạch hầu tiết ra tác động vào tim và các mô ngoại vi, gây nên tình trạng nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% - 10%. Phương thức truyền bệnh: - Lây truyền trực tiếp: Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, do người bệnh, người lành mang vi khuẩn bạch hầu, nói, ho, hắt hơi. Bạch hầu lây lan nhanh chóng theo cách này, đặc biệt ở những nơi đông người. - Lây truyền gián tiếp: Vi khuẩn bạch hầu còn lây lan qua các dụng cụ, đồ dùng trong sinh hoạt hoặc mặt sàn (sàn nhà, tay vịn cầu thang). Một số trường hợp mắc bệnh bạch hầu từ việc chưa làm sạch hoặc dùng lại các vật dụng của người nhiễm bệnh như cốc uống nước, khăn giấy ăn... Biểu hiện: - Biểu hiện tại chỗ: Một hay hai bên lỗ mũi bị bít lấp bởi giả mạc màu trắng hoặc xám lan rộng ra cửa mũi. Mũi chảy dịch lẫn máu. Loét phần cửa mũi một hoặc hai bên bên. Dịch mũi hôi thối. Niêm mạc họng đỏ. Hai amidan xung huyết, có giả mạc trắng xám bám chặt, khó bóc, nếu cố bóc sẽ chảy máu. Hạch sưng to và đau. - Biểu hiện toàn thân: Sốt cao, da xanh tái, mạch nhanh rồi trụy mạch. Hơi thở có mùi thối, loét mũi, nuốt khó, khàn tiếng, tắc nghẽn thanh quản và khó thở. Trường hợp nặng, bệnh nhân có nguy cơ viêm thận, viêm cơ tim, liệt... Chẩn đoán và xử trí: - Thăm khám lâm sàng có các biểu hiện như đã mô tả ở trên. - Lấy dịch hầu họng soi tươi, nuôi cấy xác định trực khuẩn bạch hầu. - Tìm độc tố bạch hầu trong máu. - Cách ly người bệnh, đồng thời khoanh vùng ổ dịch. Phòng ngừa: - Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu theo lịch tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. - Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. - Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. - Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. - Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng, tiêm vaccinephòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế. Thùy An Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress