Hà NộiNgười trẻ bị rối loạn lo âu, stress, trầm cảm, lạm dụng chất kích thích có thể dẫn đến sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ, bệnh Alzheimer. Anh Minh, 30 tuổi, hiện là giám đốc một công ty du lịch tại Cầu Giấy, trung bình một tháng "chốt" được từ ba đến 4 hợp đồng. Công việc dày đặc khiến anh không đủ thời gian để ngủ hay gặp gỡ bạn bè dẫn đến căng thẳng, cáu gắt, hay bị "nhớ nhớ, quên quên". Anh ghi kế hoạch chi tiết công việc vào sổ, điện thoại nhưng vẫn bị bỏ sót, thường xuyên trễ hẹn với khách hàng. Lo lắng sức khỏe ảnh hưởng công việc, người đàn ông đi khám, kết quả chẩn đoán suy giảm trí nhớ kèm rối loạn lo âu. Cũng lâm vào tình trạng "nhớ nhớ, quên quên", Lan, 28 tuổi, ở Gia Lâm, thường xuyên mất 20-30 phút mỗi ngày để đi tìm chìa khóa, thẻ ra vào và xe máy ở tầng hầm. Từng là học sinh giỏi quốc gia, thủ khoa tốt nghiệp đại học, người phụ nữ nổi tiếng về khả năng tập trung và ghi nhớ. Tuy nhiên, từ khi sinh con đầu lòng, bị mắc trầm cảm sau sinh, sau đó "đầu quân" vào vị trí cấp cao cho một tập đoàn, sức khỏe tinh thần của cô ngày càng sút giảm. Thường xuyên mất tập trung, quên lịch họp, deadline (thời hạn chót) cũng như các đầu mục công việc, Lan bị lãnh đạo đánh giá tiêu cực. Việc thể hiện kém càng khiến cô căng thẳng, sau đó tái phát bệnh trầm cảm, mất ngủ, phải nhập Viện Sức khỏe Tâm thần Bạch Mai điều trị nội trú. Suy giảm trí nhớ không chỉ là vấn đề của người lớn tuổi mà ảnh hưởng đến người trẻ, nhất là người bị stress, căng thẳng quá độ trong thời gian dài. Ảnh: Theo Medigold Health PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết tình trạng suy giảm trí nhớ, stress kéo dài như trên không hiếm. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có thống kê cụ thể về số người trẻ suy giảm trí nhớ, chỉ ghi nhận sự gia tăng ca bệnh ở các cơ sở y tế. Theo bác sĩ Bình, dấu hiệu cảnh báo của bệnh là suy giảm trí nhớ tăng dần, giảm khả năng phán đoán, khó hoàn thành các công việc hàng ngày. Nhiều người bị nhầm lẫn về thời gian và địa điểm, để nhầm vị trí các đồ vật và mất khả năng tìm lại, hay bị "nhớ nhớ, quên quên", kém tập trung, thường xuyên lơ đãng trong công việc và học tập. Người bệnh thường nhắc đi nhắc lại một câu nói, diễn đạt vòng vo do quên từ, cảm xúc thay đổi bất thường, dễ nóng giận, phiền muộn, thờ ơ... Còn bác sĩ Thân Thị Minh Trung, Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, cho biết hội chứng suy giảm trí nhớ là do sự suy giảm chức năng của não bộ chứ không phải do quá trình lão hóa theo tuổi tác thông thường. Tình trạng khiến người trẻ gặp nhiều khó khăn trong đời sống, làm giảm hiệu quả học tập, làm việc và nguy cơ mắc các bệnh về thần kinh nghiêm trọng như sa sút trí tuệ, Alzheimer khi tuổi càng lớn hơn. "Tình trạng này kéo dài sẽ làm não bộ mất dần sự nhạy bén và suy giảm trí nhớ tất yếu sẽ xảy ra", bác sĩ nói. Căng thẳng ảnh hưởng đến khả năng tập trung, ghi nhớ. Ảnh: Freepik Tuy nhiên, suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi khác với sa sút trí tuệ ở người già. Các yếu tố như lối sống căng thẳng, ngủ ít hoặc mất ngủ, lạm dụng các chất kích thích... góp phần đáng kể gây khởi phát sớm các vấn đề này. Ngoài ra, giới trẻ thường xuyên thức khuya, thiếu ngủ trầm trọng, khiến não bộ không đủ phục hồi nên bị suy giảm trí nhớ, lâu dài dẫn đến sa sút trí tuệ nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Suy giảm trí nhớ ở nhóm này cũng có thể do các thói quen thiếu khoa học như lạm dụng các thiết bị công nghệ, xem tivi, ngồi máy tính quá nhiều, nghiện thuốc lá. Theo phân tích trên Tạp chí Plos One, những người hút thuốc có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn 30% và nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn 40%. Người hút thuốc càng nhiều thì nguy cơ càng cao. Trung bình một người hút 20 điếu thuốc mỗi ngày thì nguy cơ sa sút trí tuệ tăng lên 34%. Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, lười đọc sách, tác dụng phụ của thuốc mê sau khi phẫu thuật cũng là nguyên nhân. Để phòng ngừa, các chuyên gia khuyến cáo người trẻ cần thay đổi lối sống, tránh căng thẳng, stress. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, ăn đủ các nhóm chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin B1 và sắt. Không hút thuốc lá, uống rượu bia, dùng chất kích thích. Dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc 7-9 tiếng, hạn chế thức khuya, tránh làm việc quá sức, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bất thường. Những người trẻ có nguy cơ mạch máu như cao huyết áp, đái tháo đường, kèm triệu chứng hay quên sớm hơn 40 tuổi cần đi tầm soát sớm. Thùy An *Tên nhân vật được thay đổi Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress