Có nên xông lá trầu trị đau mắt đỏ?

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Sep 26, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 114)

    [​IMG]

    Nhiều người sử dụng lá trầu không để xông chữa đau mắt đỏ, tiềm ẩn nguy cơ bỏng giác mạc, nhiễm khuẩn nặng hơn.


    Ngày 25/9, TS.BS Đặng Xuân Nguyên, Hội Nhãn khoa Việt Nam, cho biết bệnh đau mắt là tình trạng viêm của kết mạc, là một lớp màng phủ ở phía trước lòng trắng và mặt sau của mi mắt. Khi bị viêm, các mạch máu của lớp màng này cương tụ gây tình trạng đỏ mắt và có hiện tượng tăng cường tiết dịch gây chảy nước mắt hoặc gỉ ghèn.

    Nguyên nhân gây bệnh khá đa dạng như virus, vi khuẩn, vi nấm, dị ứng... Năm nay, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là Adenovirus, Coxsakievirus và Enterovirus, tùy theo vùng dịch tễ. Nhìn chung bệnh thường lành tính, phát hiện và điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi sau 4-5 ngày. Tuy nhiên, nếu chủ quan, điều trị không đúng cách, bệnh rất dễ biến chứng thành viêm, loét giác mạc dẫn đến bệnh khó điều trị hơn.

    Một trong những mẹo dân gian được rất nhiều người sử dụng là dùng lá trầu không để xông khi đau mắt đỏ. Trong lá trầu có tinh dầu nóng, khi vừa xông xong, người bệnh sẽ có cảm giác dễ chịu, đỡ cộm nên dễ lầm tưởng có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, sau đó mắt sẽ càng phù nề do đang tổn thương lại thêm hơi nóng, bệnh càng trở nặng, có thể gây bỏng giác mạc, loét giác mạc, nhiễm khuẩn nặng hơn.

    "Bệnh nhân cần tránh các phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng như đắp các loại lá thuốc, xông hơi lá trầu, tra nước cốt chanh hay nước tiểu, sữa mẹ, mật gấu, nha đam, thậm chí đắp thịt ếch nhái vào mắt", bác sĩ Nguyên nói, khuyến cáo thêm nhiều trường hợp đã gây nên các biến chứng nặng nề khó hồi phục.

    Điều trị bệnh đau mắt đỏ thường không có các loại thuốc đặc hiệu, bởi nguyên nhân thường là do virus không chịu tác dụng của các loại kháng sinh. Bác sĩ thường kê đơn kháng sinh tra mắt liều trung bình để phòng ngừa bội nhiễm vì thường sau khi nhiễm trùng kết mạc do virus, sức đề kháng của kết mạc kém đi dẫn đến dễ bội nhiễm vi khuẩn.

    Các chế phẩm dinh dưỡng kết giác mạc hay được dùng như các dạng nước mắt nhân tạo giúp tăng cường khả năng hồi phục của bề mặt nhãn cầu, làm giảm kích ứng và giảm các triệu chứng khó chịu ở mắt. Các thuốc kháng viêm dạng corticoid (dexamethasone, hydrocortisone, flumetholon...) có thể được xem xét để điều trị một số trường hợp cụ thể bởi tình trạng viêm quá mức.

    Các loại thuốc này phải được các bác sĩ kê đơn và theo dõi cẩn thận. Tuyệt đối không được tự ý mua để sử dụng vì thuốc có thể làm giảm miễn dịch của kết mạc, tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng như viêm loét giác mạc, bệnh tiến triển kéo dài.

    Chú ý chăm sóc mắt và toàn thân để tăng cường hiệu quả điều trị. Rửa mắt bằng nước muối vô khuẩn làm sạch gỉ ghèn, chườm lạnh mắt để giảm sưng viêm, đeo kính để tránh các kích thích gió bụi vào mắt. Ăn uống đủ chất, đủ vitamin để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Tốt nhất là bệnh nhân nên nghỉ làm việc 3-5 ngày để bệnh hồi phục và tránh lây nhiễm cho người khác.

    Để phòng tránh, trong mùa dịch nên hạn chế chỗ đông người. Đeo khẩu trang và kính mắt khi tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc cồn sát khuẩn tay sau khi tiếp xúc với các đồ vật ở nơi công cộng như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, ghế ngồi công cộng, máy tính công cộng, tiền giấy... Rửa mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

    Lê Nga


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Có nên xông lá trầu trị đau mắt đỏ?

Share This Page