Phụ nữ cổ trung đại thử thai thế nào

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Sep 22, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 97)

    Tiểu tiện vào hạt giống, ngâm kim vào nước tiểu hoặc uống hỗn hợp rượu, mật ong, nước trước khi đi ngủ là những cách thử thai thời cổ đại.


    Các phương pháp thử thai nói chung có sự phát triển phức tạp suốt chiều dài y học. Kit thử dành cho phụ nữ sử dụng tại nhà lần đầu tiên được đưa ra thị trường vào năm 1960. Chúng hoạt động bằng cách phát hiện hormone gonadotropin màng đệm (hCG) trong nước tiểu - được xác tế bào nhau thai sản xuất. Chị em chỉ cần lấy nước tiểu cho vào cốc, nhúng que thử và đợi kết quả hiện ra, độ chính xác lên đến 99%.

    Tuy nhiên, trong quá khứ, mọi thứ phức tạp hơn nhiều. Từ thời Hy Lạp cổ đại, người ta tin rằng phụ nữ mang thai sẽ cảm nhận tử cung đóng lại sau khi quan hệ tình dục. Các nhà khoa học sau đó nhận định điều này không chính xác, vì ở giai đoạn đầu, quá trình thụ tinh chưa xảy ra.

    Theo văn bản y học Hippocrates thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, phụ nữ nghi có thai nên uống hydromel trước khi đi ngủ. Đây là hỗn hợp gồm rượu, nước và mật ong, có thể gây tình trạng co thắt dạ dày nếu họ thực sự mang thai.

    Trong Secrets of Women, một văn bản y học thế kỷ 13, các chuyên gia cho biết ngực người phụ nữ hướng xuống dưới là dấu hiệu của việc có thai. Nguyên nhân là "tại thời điểm thụ thai, máu di chuyển lên ngực".

    Ngày nay, nước tiểu là chìa khóa để có câu trả lời chắc chắn hơn. Phương pháp tưởng chừng hiện đại này thực tế có tuổi đời khá lâu. Y văn của người Ai Cập cổ đại cho thấy nước tiểu đã được sử dụng để thử thai từ cách đây 4.500 năm.

    Tài liệu mô tả phụ nữ Ai Cập thường tiểu tiện vào hạt lúa mì và lúa mạch trong vài ngày để biết mình có thai hay không. Nếu hạt lúa mạch nảy mầm trước, họ có một bé trai. Nếu lúa mì nảy mầm, họ có bé gái. Trường hợp không loại nào nảy mầm, người phụ nữ không có thai.


    [​IMG]

    Một chiếc que thử thai kiểu hiện đại. Ảnh: Freepik


    Nghiên cứu cho thấy trong 70% trường hợp thử nghiệm, nước tiểu của phụ nữ mang thai thực sự làm hạt giống nảy mầm. Dù vậy, các nhà khoa học không tìm thấy mối tương quan với giới tính của thai nhi.

    Trong suốt chiều dài lịch sử, các nhà khoa học phát hiện nhiều biến thể của phương pháp thử thai bằng nước tiểu. Trong một số tài liệu y khoa thời trung cổ, người phụ nữ sử dụng một cây kim ngâm vào nước tiểu, cây kim chuyển màu đỏ hoặc đen là dấu hiệu mang thai. Các phương pháp thử thai được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ, hoặc tự làm tại nhà.

    Việc sử dụng nước tiểu trong để thử thai phần nào định hình các phương pháp ngày nay. Các biến thể của loại xét nghiệm này xuất hiện nhiều lần trong các tài liệu y khoa cho đến thế kỷ 17. Theo cuốn Compleat Midwives Practice, nước tiểu của phụ nữ mang thai sau vài ngày sẽ xuất hiện "các sinh vật sống". Dấu hiệu khác là nước tiểu xuất hiện vệt trắng sau khi đun sôi.

    Đến những năm 1920-1930, các nhà khoa học thử nghiệm tiêm nước tiểu của phụ nữ vào cóc châu Phi. Họ cho rằng nếu người này có thai, cóc cái sẽ đẻ trứng. Nghiên cứu kéo dài đến năm 1950, song được nhận định là quá đắt đỏ và không đáng tin cậy.

    Vào năm 1960, công trình nghiên cứu mới về kháng thể đặt nền móng cho sự ra đời của phương pháp thử thai hiện đại, được sử dụng tới ngày nay.

    Thục Linh (Theo Conversation)


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Phụ nữ cổ trung đại thử thai thế nào

Share This Page