Nhiễm trùng huyết ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng - nhiễm độc toàn thân nặng, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể đáp ứng quá mức với tác nhân vi trùng gây suy đa cơ quan, có thể dẫn tới tử vong. Ngày 17/9, TS.BS Chu Thanh Sơn, khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết tác nhân vi trùng gồm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm. Triệu chứng nhận biết bao gồm: Nói nhịu hoặc lú lẫn; run cơ hoặc đau cơ, sốt; không có nước tiểu; khó thở; mệt mỏi, kiệt sức; da tái hoặc nổi vân tím. Đây là bệnh lý cấp cứu, kết quả điều trị phụ thuộc vào việc bệnh nhi được phát hiện và xử trí kịp thời. Nếu nghi ngờ hoặc đã xác định trẻ bị nhiễm trùng và xuất hiện các triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời. Phụ huynh khó nhận biết sớm trẻ nhiễm trùng huyết, do các triệu chứng cũng thường gặp trong các bệnh lý sốt lành tính. Tuy nhiên, nhiễm trùng huyết diễn tiến nhanh, biến chứng nặng hơn nếu không được can thiệp hỗ trợ kịp thời. "Những trường hợp đáp ứng tốt có thể phục hồi sau 7-14 ngày, còn phát hiện và điều trị muộn, trẻ có thể tử vong hoặc chịu các di chứng suốt đời", bác sĩ Sơn nói. Căn nguyên gây nhiễm trùng huyết có thể do virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Vì vậy, bác sĩ chẩn đoán xác định bằng các xét nghiệm cấy máu, xét nghiệm phản ứng tìm kháng nguyên nhanh, phản ứng khuếch đại chuỗi gene, đồng thời tìm kiếm ổ nhiễm trùng như viêm phổi, nhiễm trùng da mô mềm, tiết niệu. Một bệnh nhi bị nhiễm trùng huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Trần Việt Sốc nhiễm trùng Bác sĩ Lê Nhật Cường, khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết sốc nhiễm trùng là tình trạng bệnh lý thường gặp, nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nguy kịch. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn biến tới suy đa cơ quan (gan, thận, rối loạn đông máu). Điều trị sốc nhiễm trùng chủ yếu là phát hiện sớm, sử dụng kháng sinh kịp thời, hồi sức hô hấp bằng hỗ trợ thở máy, hồi sức tuần hoàn bằng thuốc vận mạch, trợ tim. Ngoài ra, một số biện pháp hỗ trợ tích cực như lọc máu liên tục hỗ trợ bệnh nhân suy thận, sử dụng tim phổi nhân tạo (ECMO) cho bệnh nhân suy hô hấp nặng, suy tuần hoàn không đáp ứng với sử dụng thuốc vận mạch. Hiện có nhiều tiến bộ trong điều trị hồi sức, song sốc nhiễm khuẩn vẫn là gánh nặng bệnh tật lớn, tỷ lệ tử vong còn cao. Ước tính, mỗi năm trên thế giới có khoảng 20 triệu trẻ em (dưới 5 tuổi) mắc nhiễm trùng huyết và 3 triệu trẻ trong số đó tử vong. Lê Nga Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress