Quảng NinhBé gái có chiều cao, cân nặng phát triển vượt trội, vòng ngực đến 95 cm, bác sĩ chẩn đoán dậy thì sớm Ngày 15/9, bác sĩ Nguyễn Thị Lan Linh, Khoa Hô hấp - Tim mạch - Tiêu hóa - Thần kinh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, cho biết bệnh nhi nhập viện với các chỉ số chiều cao đạt 1,49 m, nặng 55 kg, vòng ngực 95 cm. Trong khi đó, chỉ số cân nặng trung bình của trẻ gái độ tuổi này là 28-41 kg và cao 1,32-1,44 m. Ngoài ra, bé còn biểu hiện đau tức ngực. Bác sĩ chẩn đoán trẻ bị dậy thì sớm. Theo người nhà, con có dấu hiệu tăng kích cỡ vòng ngực từ lâu nhưng nghĩ do bị béo phì nên không đi khám. Sau khi điều trị bằng thuốc, các chỉ số hormone của bé duy trì ở mức ổn định. Bác sĩ khám cho bệnh nhi dậy thì sớm. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Thời gian qua, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh khám và điều trị trên 30 bệnh nhi dậy thì sớm. Bệnh nhi 9 tuổi này là trường hợp phát triển vượt trội nhất, chưa xác định nguyên nhân cụ thể. Trẻ dậy thì sớm có thể do yếu tố di truyền, liên quan đến giới tính, yếu tố chủng tộc. Các nguyên nhân khác như có khối u trên buồng trứng, tuyến thượng thận, tuyến yên, não hay do các vấn đề về thần kinh trung ương, rối loạn hormone, chấn thương não. Trẻ béo phì trước tuổi thành niên có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hormone androgen thành estrogen, dẫn đến dậy thì sớm. Các dấu hiệu rõ ràng nhất là sự phát triển chiều cao vượt trội. Với nữ, một số dấu hiệu khác bao gồm sự phát triển ngực, vùng kín, mùi cơ thể, giọng nói. Dậy thì sớm khiến trẻ không phát triển tối ưu về mặt chiều cao, thể chất, ảnh hưởng tới tâm sinh lý. Sự khác biệt về hình thể so với phần đa bạn bè có thể khiến trẻ mặc cảm, thu mình. Một số nghiên cứu cho thấy nhiều người lớn dễ có vấn đề về tâm lý như rối loạn tâm lý, trầm cảm vì việc dậy thì sớm xảy ra trong quá khứ. Phụ huynh, người chăm sóc cũng có khả năng hoang mang, lo lắng theo vì sự bất thường của con. Thân hình nở nang, phổng phao nhưng tinh thần vẫn còn non nớt, chưa nhận thức được hành vi bị lạm dụng và có thể tự bảo vệ mình, nên trẻ dậy thì sớm dễ bị lạm dụng tình dục hơn. Hiện phương pháp điều trị chủ yếu đối với trẻ dậy thì sớm là tiêm hormone làm chậm lại tốc độ tăng trưởng, tốc độ dậy thì và chậm quá trình phát triển sinh dục thứ phát, vẫn có thể đạt được chiều cao cuối theo di truyền của bố mẹ. Các áp lực tâm sinh lý cũng được hạn chế, giúp trẻ phát triển đúng độ tuổi. Để phòng ngừa dậy thì sớm, phụ huynh cần xây dựng chế độ sinh hoạt, ăn uống đủ chất, khoa học cho con. Thực đơn dinh dưỡng cân bằng các nhóm chất giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh. Nên chọn nguồn thức ăn tươi, không chứa chất biến đổi gene, hạn chế đồ đóng hộp, thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo cùng hàm lượng đường cao. Tránh thực phẩm chứa hormone tăng trưởng. Thúy Quỳnh Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress