Hoảng loạn có thể xảy ra cả trong và sau hỏa hoạn, cần bình tĩnh xử lý tình huống, điều trị bác sĩ và chuyên gia tâm lý nếu sang chấn tinh thần nặng nề. Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Diệp Quế Trinh, Trưởng khoa Phỏng - Tạo hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM). Hoảng loạn ảnh hưởng thế nào đến quá trình thoát khỏi đám cháy - Hoảng loạn khiến nạn nhân không nghĩ được những cách tránh ngạt. - Khi đó, người gặp nạn có khuynh hướng nhảy từ trên cao xuống, nguy cơ tử vong cao. Việc cần làm khi đang trong đám cháy - Sử dụng khăn thấm nước che kín miệng và mũi lọc không khí khi hít thở. Có thể sử dụng mặt nạ chống khói nếu được trang bị trước. - Muốn thoát ra khỏi đám cháy, dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy nhanh qua đám lửa ra ngoài, tránh bị cháy quần áo gây bỏng da. - Khi lượng khói phát sinh nhiều, người thoát nạn phải cúi khom người, quỳ, bò hoặc trườn ra khỏi đám cháy. - Cố gắng bình tĩnh, tránh hoảng loạn, nhanh chóng gọi điện thoại báo ngay cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy để được cứu nạn kịp thời. Cách vượt qua khủng hoảng sau hỏa hoạn - Đối với người lớn Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA), cả nạn nhân lẫn lính cứu hỏa cần chấp nhận phản ứng tiêu cực của bản thân, cố gắng duy trì thói quen vốn có và kiên nhẫn, hiểu rằng mọi quá trình hồi phục đều cần thời gian. Ngoài ra, nên thực hiện các điều dưới đây: + Chăm chỉ tập thể dục, thiền và hít thở sâu nhằm giảm stress. + Hạn chế tiếp xúc với cảnh tượng, âm thanh gợi nhớ hỏa hoạn, đặc biệt là từ tivi, radio hoặc báo chí. + Cho phép bản thân khóc và giải tỏa cảm xúc tiêu cực một cách tích cực. + Cho phép bản thân được vui vẻ, hạnh phúc. + Đưa ra vài quyết định nhỏ nhằm lấy lại sự kiểm soát trong cuộc sống. Nếu cần thiết và có thể, đưa ra quyết định lớn như chuyển đổi công việc. + Hạn chế nghĩ về những điều bạn "đáng lẽ ra phải làm". + Không cô lập bản thân quá nhiều. + Dành thời gian nói chuyện với bạn bè, gia đình và những người lành mạnh. + Tập trung vào những gì giúp bạn thấy nhẹ nhõm. + Tránh xa các chất làm thay đổi tâm trạng như rượu cùng các loại thuốc. + Nghỉ ngơi đầy đủ và duy trì chu kỳ thức - ngủ vốn có. + Ăn uống cân bằng, khoa học. - Đối với trẻ em và thiếu niên Trải nghiệm hỏa hoạn dễ dẫn đến rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ và ác mộng ở trẻ. Do đó: + Phụ huynh cần cố gắng trở thành hình mẫu tốt cho con em. + Cởi mở chia sẻ suy nghĩ, nỗi lo và ý tưởng với trẻ. + Động viên con quay lại cuộc sống trước đây, bao gồm cả việc giải trí. + Tuyệt đối đừng bao giờ coi trẻ nhỏ như phương tiện trút căng thẳng, sợ hãi. Hầu hết cảm xúc tiêu cực sẽ dần tiêu tan sau vài ngày. Trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu như bùng nổ về cảm xúc (giận dữ, khóc lóc), khó ăn khó ngủ, mất hứng thú; các triệu chứng cơ thể (đau đầu, đau dạ dày, mệt mỏi); cảm giác tội lỗi và tuyệt vọng, lảng tránh gia đình bạn bè; lạm dụng rượu và các chất khác kéo dài từ 2 tuần trở lên, bạn nên đến chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ kịp thời. Mỹ Ý Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress