Đề xuất BHYT chi trả phí sàng lọc ung thư vú, tử cung

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Sep 8, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 105)

    Bộ Y tế đề xuất quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả phí khám, sàng lọc phát hiện sớm một số bệnh như ung thư cổ tử cung, vú, bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan.


    Đề xuất được bà Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, nếu tại hội thảo Đề xuất xây dựng phạm vi quyền lợi BHYT về vấn đề chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh trong dự án luật BHYT sửa đổi, ngày 8/9.

    Cụ thể, đề xuất quỹ BHYT chi trả phí khám, sàng lọc phát hiện sớm một số bệnh như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C. Đề xuất này dựa trên kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng khoa học, mô hình bệnh tật cần quan tâm.

    "Việc chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh sẽ giúp giảm các chi phí y tế sau này, phòng tránh được rất nhiều bệnh lý tăng nặng, điều trị tốn kém như ung thư, đột quỵ, bệnh lý tim mạch", bà Trang nói. Ngoài ra, nếu được chẩn đoán sớm, điều trị ngay từ đầu, dùng thuốc kịp thời, có thể giảm tỷ lệ nhập viện, tỷ lệ tăng nặng của bệnh.

    Trước lo ngại khi áp dụng đề xuất trên, quỹ BHYT không thể chi trả, bà Trang cho rằng hiện các nước trên thế giới đã thực hiện, kết quả khả quan. Lý do các bệnh được đưa vào là bệnh phổ biến, nếu được điều trị sớm sẽ giảm chi tiền túi người bệnh cũng như giảm chi từ quỹ BHYT.

    Như kỹ thuật sàng lọc ung thư cổ tử cung làm lần đầu vào năm 30 tuổi, sau đó 5-10 năm mới làm tiếp lần 2, tần suất thực hiện thấp, chi phí chỉ vài trăm nghìn đồng. Trong khi đó, chi phí điều trị bệnh, nhất là ở giai đoạn muộn cao hơn rất nhiều lần.

    Tương tự, bệnh tăng huyết áp nếu được phát hiện sớm, điều trị ngay từ cơ sở sẽ tránh được các biến chứng nguy hiểm, điều trị tốn kém. Hiện, tỷ lệ chi từ túi của người dân vẫn còn cao chiếm đến 43% tổng chi tiêu y tế. Việt Nam đang cố gắng phấn đấu giảm xuống còn khoảng 39%, mức lý tưởng nhất là 25-26% (theo WHO).


    [​IMG]

    Người dân đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM, tháng 10/2022. Ảnh:Như Quỳnh


    TS Nguyễn Khánh Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, cũng cho biết nghiên cứu ban đầu đánh giá tác động về kinh tế của việc sàng lọc tăng huyết áp cho thấy chi phí phát sinh do sàng lọc tăng từ năm thứ nhất đến năm thứ 4. Bắt đầu từ năm thứ 5, chi phí này giảm xuống, do đối tượng đích giảm. Đơn cử, tính gộp trong 10 năm, ngân sách tiết kiệm được hơn 7.700 tỷ đồng với bệnh tăng huyết áp; gần 1.700 tỷ đồng ở đái tháo đường...

    Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, cũng đánh giá cao lợi ích khi chi trả cho việc sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh. Tuy nhiên, quỹ BHYT hiện còn hạn hẹp tài chính, chỉ chi trả cho khám chữa bệnh.

    "Hiện nay, chúng ta vẫn đảm bảo cân đối quỹ. Tuy nhiên, trong tương lai khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT thì cũng cần cân nhắc khả năng cân đối của quỹ", ông Phúc nói.

    Theo thống kê, trong năm 2022 quỹ chi trả 110.000 tỷ đồng cho khám chữa bệnh bằng BHYT. Con số này ước tính năm 2023 là khoảng 120.000 tỷ. Trong đó, ước tính chi phí cho các bệnh ung thư chiếm khoảng 10%. Ông Phúc cho biết "nếu quỹ BHYT chi trả chi phí cho việc sàng lọc phát hiện sớm một số bệnh thì phải xem xét mức đóng BHYT cho phù hợp".

    Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng mạnh qua các năm. Tính đến tháng 12/2022, toàn quốc có trên 91 triệu người tham gia BHYT, tương đương 91% dân số. Khám chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở tăng, đến nay đã đạt hơn 70% lượt khám chữa bệnh. Mục tiêu bao phủ BHYT đến năm 2025 là 95% dân số.

    Bộ Y tế đang tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo luật, dự kiến trình Quốc hội dự thảo Luật BHYT sửa đổi vào tháng 5/2024.

    Lê Nga


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Đề xuất BHYT chi trả phí sàng lọc ung thư vú, tử cung

Share This Page