Liên Hợp Quốc ghi nhận mùa hè 2023 là mùa hè nóng nhất trong lịch sử với nhiệt độ trung bình cao hơn hẳn kỷ lục trước đó. Một người đàn ông Iraq vốc nước lên mặt để giải nhiệt trong nắng nóng ở Baghdad hôm 13/8. Ảnh: AFP Tháng 7 - 8/2023 là thời kỳ nóng nhất từ khi giới nghiên cứu bắt đầu theo dõi nhiệt độ vào năm 1940, theo dữ liệu từ cơ quan phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (Copernicus Climate Change Service). Copernicus cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu mùa hè năm nay là 16,77 độ C, cao hơn 0,66 độ C so với mức trung bình năm 1990 - 2020, đồng thời phá vỡ kỷ lục trước đó là tháng 8/2019 (chênh lệch gần 0,3 độ C), theo CNN. Đây là bộ dữ liệu khoa học đầu tiên xác nhận thực tế không thể tránh khỏi. Bắc bán cầu ghi nhận mùa hè nóng nực ở nhiều nơi, bao gồm Mỹ, châu Âu và Nhật Bản với nhiều đợt nắng nóng phá vỡ kỷ lục và nhiệt độ đại dương cao chưa từng thấy. Trái Đất trải qua tháng 6 và tháng 7 nóng nhất trong lịch sử, cả hai đều phá vỡ kỷ lục trước đó với mức chênh lệch lớn. Tháng 8/2023 cũng là tháng 8 nóng thứ hai trong lịch sử, theo dữ liệu mới của Copernicus, ấm hơn bất kỳ tháng nào khác trong năm (trừ tháng 7). Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 8 là 16,82 độ C, ấm hơn 0,31 độ C so với kỷ lục trước đó vào năm 2016. "Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo những gì tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch sẽ giải phóng. Khí hậu biến đổi nhanh hơn khả năng xử lý sự kiện thời tiết cực đoan đang tấn công mọi ngóc ngách trên hành tinh", António Guterres, tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cho biết. Theo Copernicus, ước tính cả tháng 7 và tháng 8/2023 đều ấm hơn 1,5 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đó là ngưỡng chủ chốt mà giới khoa học cảnh báo thế giới không được vượt qua nhằm ngăn chặn tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu. Dù các nhà khoa học tập trung nhiều hơn vào nhiệt độ toàn cầu gia tăng trong dài hạn, những lần cán mốc tạm thời này hé lộ trước mùa hè khắc nghiệt mà thế giới có thể trải qua nếu ấm lên 1,5 độ C. "Bắc bán cầu đã trải qua một mùa hè đầy sự kiện cực đoan, nắng nóng liên tiếp khơi nguồn cho cháy rừng, đe dọa sức khỏe, làm gián đoạn đời sống hàng ngày và tác động lâu dài tới môi trường", Petteri Taalas, tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới, nhận định. Các nước ở Nam bán cầu cũng trải qua mùa đông ấm khác thường với nhiệt độ cao hơn nhiều so với mức trung bình ở Australia, một số nước Nam Mỹ và Nam Cực. Nhiệt độ đại dương trung bình toàn cầu cũng cao kỷ lục, tiếp thêm năng lượng cho những cơn bão lớn ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Hồi tháng 7, một đợt nắng nóng trên biển ngoài khơi Florida khiến nước biển nóng như bồn tắm. Trong tháng 6, nhiều khu vực ở Bắc Đại Tây Dương trải qua nắng nóng chưa từng thấy với nhiệt độ nước biển cao hơn 5 độ C so với thông thường. Theo Copernicus, mỗi ngày từ cuối tháng 7 tới cuối tháng 8, nhiệt độ đại dương đều vượt mốc kỷ lục ghi nhận năm 2016. Với 4 tháng còn lại, năm 2023 hiện nay là năm ấm thứ hai trong lịch sử, chỉ kém năm 2016 0,01 độ C. Các nhà khoa học dự đoán năm 2024 chắc chắn sẽ nóng hơn nữa với sự hoành hành của El Nino, biến động khí hậu tự nhiên mang đến nhiệt độ biển - đất liền ấm hơn mức trung bình và ảnh hưởng tới thời tiết. An Khang (Theo CNN) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress