Nhiều người cho rằng không nên để cà chua cả vỏ và hạt khi chế biến vì dễ gây ngộ độc, điều này đúng hay sai? (Linh, 30 tuổi, Hà Nội) Trả lời: Cà chua chứa nhiều giá trị dinh dưỡng, nhất là vitamin A, C, B6. Vỏ cà chua chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh, giúp ngăn chặn tế bào ung thư, chống lại sự hình thành cục máu đông trong thành mạch máu. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng phần vỏ mà không cần bỏ. Về bản chất, vỏ cà chua không chứa độc đến mức ăn vào gây ngộ độc. Tuy nhiên, việc ăn phần vỏ có thể xảy ra hiện tượng ngộ độc trong một số trường hợp, khi quả cà chua bị tồn dư hóa chất bảo quản, người ăn sống hoặc chưa kịp rửa dễ bị nhiễm độc hóa chất. Hiện chưa có bằng chứng khoa học cho thấy hạt cà chua gây ngộ độc. Thực tế, xưa nay mọi người vẫn nấu cả vỏ và hạt để ăn, không có hiện tượng bất thường. Song, hạt cà chua không có quá nhiều giá trị dinh dưỡng, khi vào hệ tiêu hóa sẽ khó bị phân hủy, thường sẽ lẫn chất cặn bã đào thải ra ngoài. Nếu so sánh về dinh dưỡng, ăn cà chua sống sẽ tốt hơn cà chua nấu chín. Tuy nhiên, đây là loại quả có nguy cơ nhiễm hóa chất cao nên cần cân nhắc việc ăn sống. Ngoài ra, nhiều người thu hoạch cà chua khi còn xanh, về để chín nhưng khi bổ ra phía trong lõi vẫn còn màu hơi xanh. Loại cà chua này cũng không nên ăn sống, nguy cơ ngộ độc. Tốt nhất, bạn nên mua cà chua ở những nơi uy tín, rửa sạch, nấu chín trước khi ăn. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh Nguyễn cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress