Nấm mồ hạt nhân ám ảnh quần đảo Marshall suốt 77 năm

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Aug 29, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 109)

    Vòm bê tông chứa đất phóng xạ và chất thải hạt nhân ở quần đảo Marshall có nguy cơ nứt vỡ do mực nước biển tăng, đe dọa người dân sống ở gần đó.


    [​IMG]

    Vòm bê tông khổng lồ trên đảo Runit. Ảnh: Ashahi Shimbun


    Thoạt nhìn, nước biển màu xanh ngọc xung quanh quần đảo Marshall trông như thiên đường. Nhưng khung cảnh nên thơ ở Thái Bình Dương này từng là nơi kích nổ 67 quả bom hạt nhân trong các thử nghiệm quân sự của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh từ năm 1946 đến năm 1958. Những quả bom phát nổ trên mặt đất và dưới nước ở đảo san hô vòng Bikini và Enewetak, bao gồm quả bom lớn gấp 1.100 lần bom nguyên tử thả xuống Hiroshima. Lượng phóng xạ tương đương nhà máy Chernobyl buộc hàng trăm người phải rời bỏ nhà cửa. Đảo Bikini bị bỏ hoang. Theo kêu gọi của chính phủ Mỹ, người dân bắt đầu quay trở lại đảo Enewetak.

    Ngày nay, hầu như không có bằng chứng dễ thấy nào về thử nghiệm hạt nhân trên các đảo ngoại trừ vòm bê tông rộng 115 m có biệt danh Nấm mồ. Được xây vào cuối thập niên 1970, giờ đây đã cũ kỹ và rạn nứt, vòm bê tông khổng lồ trên đảo Runit chứa hơn 90.000 m3 đất phóng xạ và chất thải hạt nhân (tương đương 35 bể bơi Olympic), theo Guardian.

    Ian Zabarte, đại diện của bộ lạc bản xứ Shoshone, đang xúc tiến liên hệ với những người dân đảo ở Thái Bình Dương bị ảnh hưởng bởi thử nghiệm hạt nhân. "Tác động của thử nghiệm vũ khí hạt nhân lên sức khỏe của người dân chúng tôi chưa bao giờ được nghiên cứu. Chúng tôi chưa từng nhận được lời xin lỗi, đừng nói tới bồi thường", Zabarte chia sẻ.

    "Ung thư tiếp diễn từ thế hệ này tới thế hệ khác", Alson Kelen, hoa tiêu kỳ cựu lớn lên trên đảo Bikini, cho biết. "Nếu bạn hỏi bất kỳ ai ở đây liệu thử nghiệm hạt nhân có tác động tới sức khỏe của họ, câu trả lời là có".

    Mỹ khẳng định quần đảo Marshall an toàn. Sau khi độc lập vào năm 1979, Marshall là quần đảo tự trị nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào Washington về mặt kinh tế. Ngày nay, quốc đảo này vẫn sử dụng đồng USD và trợ cấp từ Mỹ vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong GDP.

    Năm 1988, một tòa án quốc tế được thành lập để xét xử và yêu cầu Mỹ trả 2,3 tỷ USD chi phí y tế và tái định cư cho quần đảo Marshall. Chính phủ Mỹ từ chối và cho rằng họ đã hết trách nhiệm khi trả 600 triệu USD vào thập niên 1990. Năm 1998, Mỹ dừng cung cấp chăm sóc y tế cho người dân đảo mắc bệnh ung thư, khiến nhiều người gặp khó khăn tài chính. Phán quyết trên đang chờ thỏa thuận lại trong năm nay. Người dân đảo cũng yêu cầu phía Mỹ di dời Vòm Runit đang có nguy cơ sụp đổ do mực nước biển dâng cao và quá trình xuống cấp tự nhiên của công trình bê tông.

    Mối đe dọa đối với Nấm mồ đặc biệt rõ rệt bởi quần đảo Marshall trung bình chỉ cao hơn 2 m so với mực nước biển và rất dễ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao. Thủ đô của quốc đảo là Majuro có nguy cơ ngập lụt thường xuyên, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới. Theo Mỹ, do vòm bê tông nằm trên địa phận của Marshall, trách nhiệm tu sửa không thuộc về họ.

    Giới chuyên gia chưa rõ điều gì sẽ xảy ra với môi trường khi Nấm mồ đổ nát. Rất khó để theo dõi hệ sinh thái sẽ phản ứng như thế nào theo thời gian vì không có nhiều người trên đảo Bikini để theo dõi thay đổi. Năm 2012, một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết ảnh hưởng của phóng xạ lên quần đảo Marshall kéo dài và gây ô nhiễm môi trường ở mức gần như không thể phục hồi. Trong chuyến thăm quần đảo vào năm 2016, Stephen Palumb, giáo sư hải dương ở Đại học Stanford và đồng nghiệp được người dân địa phương nhắc nhở đừng uống nước dừa bị nhiễm phóng xạ hoặc ăn cua dừa, bởi nước ngầm ô nhiễm.

    Những vụ nổ hạt nhân trở thành mối đe dọa cực lớn đối với đa dạng sinh thái ở địa phương. Một nghiên cứu vào năm 1973 của chính phủ Mỹ phát hiện cả tác hại trực tiếp lẫn thiệt hại lâu dài đối với sinh vật biển: cá phát nổ do băng bóng chứa đầy khí của chúng phản ứng với thay đổi áp suất dưới nước, hàng trăm con rái cá chết ngay lập tức.

    Theo Palumbi, sự bền bỉ của đại dương rất ấn tượng, rạn san hô mọc lại ở quần đảo Marshall 10 năm sau những vụ thử bom. Tuy nhiên, bằng chứng về sự kiện xảy ra hàng chục năm trước vẫn tồn tại, bao gồm lớp trầm tích giống bột mịn bao phủ các rạn đá.

    An Khang (Theo Guardian)​


    Adblock test (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Nấm mồ hạt nhân ám ảnh quần đảo Marshall suốt 77 năm

Share This Page