Khoảng 59% dân số ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị, 78% thường xuyên thêm muối vào món ăn, làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch, ung thư, đột quỵ. Đặc biệt, 8,7% dân số thường ăn thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng muối cao. Trung bình một người Việt trưởng thành tiêu thụ 8,1 g muối trong một ngày. Đây là kết quả Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) năm 2021 được Bộ Y tế nêu tại Tờ trình đề nghị xây dựng Dự án Luật phòng bệnh vừa gửi Chính phủ. So với điều tra năm 2015, tỷ lệ tiêu thụ muối đã giảm từ 9,4 g xuống còn 8,1 g, song vẫn ở mức cao, gần gấp đôi khuyến cáo so với mức cần thiết. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị người trưởng thành nên ăn ít hơn 5 g muối mỗi ngày để giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Khuyến nghị rau củ quả là 5 phần, tương đương với 400 g mỗi ngày. Trong Tháp Dinh dưỡng cho người trưởng thành Việt Nam đã được Bộ Y tế phê duyệt, Viện Dinh dưỡng đưa ra khuyến nghị mức tiêu thụ rau quả là 480-560 g/ngày (tương đương 6-7 đơn vị rau quả, mỗi đơn vị là 80 g rau quả sống sạch, không tính phần thải bỏ như vỏ, hạt...). Theo Bộ Y tế, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý dẫn đến hạn chế phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt cũng như tăng bệnh không lây nhiễm liên quan dinh dưỡng. Hiện, Việt Nam phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm. Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc, các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Khoảng 15% dân số 40-69 tuổi có nguy cơ cao trong vòng 10 năm tới bị các biến cố tim mạch như đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, chỉ có 40% trong số những người có nguy cơ cao này được tư vấn và dùng thuốc để phòng ngừa bệnh. Số liệu về mô hình tử vong cũng cho thấy gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm chiếm tỷ trọng cao nhất, 73% số ca mắc và 78% số ca tử vong năm 2020. Bác sĩ Nguyễn Anh Quân, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, giải thích ăn mặn làm tăng huyết áp và vôi hóa thành động mạch, từ đó dẫn đến xơ vữa động mạch, tiến triển hẹp tắc lòng mạch gây các bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Ngoài ra, ăn ít rau xanh và trái cây liên quan đến 19% trường hợp ung thư dạ dày và ruột, 31% bệnh nhân thiếu máu tim cục bộ và 11% đột quỵ. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, nếu một người ăn đủ 5 suất rau, tương đương 400 g rau xanh và quả chín mỗi ngày có thể giảm 2 lần nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mỡ máu và tăng khả năng dự phòng với các bệnh không lây nhiễm khác. Lê Nga Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress