Để trẻ yêu thích khoa học phụ huynh cần tạo môi trường mang lại sự tò mò và cho trẻ trải nghiệm kiến thức từ thực tế cuộc sống, theo các chuyên gia. Những trải nghiệm thực tế được chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm "Gieo tình yêu khoa học cho trẻ dễ hay khó", do Seednet Books tổ chức sáng 26/8 tại Đường sách TP HCM. Nhớ lại thời đi học lớp 9 -10, dịch giả Trần Anh Khôi kể, một lần ông tình cờ mua bộ sách của Liên Xô (cũ) về vật lý vui, hình học vui. Cuốn sách chia sẻ những kiến thức khoa học thông qua những chuyện đời thường, trong tiểu thuyết hoặc qua những thí nghiệm vui... Từ những câu chuyện này, sách sẽ giải thích các kiến thức khoa học. "Niềm yêu thích khoa học bắt đầu trong tôi theo kiểu không chính thống như vậy", ông Khôi nhớ lại. Dịch giả Trần Anh Khôi chia sẻ câu chuyện tình yêu khoa học của bản thân tại tọa đàm, sáng 26/8. Ảnh: Hà An Dịch giả cho rằng, nếu chỉ ôm sách khoa học hàn lâm, đọc bài bản khó lòng hấp dẫn con trẻ. Khoa học cần được truyền tải theo kiểu vui, hài hước thông qua tranh vẽ ngắn gọn, thí nghiệm giàu tính thực tế để giải thích. Nhiều năm làm trong ngành xuất bản, ông Khôi nhìn nhận thị trường trong nước những năm gần đây tạo được nhiều sách tóm tắt khái niệm khoa học dưới dạng truyện tranh, minh họa bằng hình ảnh thú vị giúp trẻ em, kể cả người lớn thích tiếp cận theo những gì sinh động, trực quan, hài hước nhất. Ông Nguyễn Thuận Thành, Quản lý dự án The Young Scientists chuyên làm truyện tranh cho trẻ em thì mong muốn các phụ huynh không nên áp đặt mà hướng khoa học vào trong sở thích của con. Theo ông, giữa một kệ sách khoa học và một bộ đồ chơi về khoa học, trẻ phần lớn sẽ chọn đồ chơi. Vì vậy, hãy tham gia trò chơi khoa học cùng trẻ, không nên dạy kiến thức mà để các bé tự trải nghiệm. Cha mẹ chỉ cần bên cạnh, diễn giải nhiều nhất những gì mình biết về kiến thức đó. Ông cho rằng, tri thức khoa học là vô tận, một người dù giỏi cũng khó biết hết mọi kiến thức trong các lĩnh vực. Để trẻ tự độc lập khám phá là cách giúp con con tự biết được những tri thức mới và nhớ lâu. Ông Nguyễn Thuận Thành chia sẻ cách gieo tình yêu khoa học cho trẻ tại tọa đàm. Ảnh: Hà An TS Nguyễn Trần Vỹ, Viện Sinh học Nhiệt đới (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) gợi ý các bậc phụ huynh nên đặt ra thử thách, cùng trải nghiệm và đặt lại câu hỏi giúp bé kích thích thêm, tìm tòi thêm để học được nhiều kiến thức mới. "Việc trả lời cho trẻ mọi kiến thức khoa học là rất khó, phụ huynh phải là người hướng dẫn, đồng hành cùng con", TS Vỹ nói. Theo ông Nguyễn Thuận Thành, trong giai đoạn 3 - 8 tuổi, trẻ có xu hướng khám phá thế giới xung quanh và đặt rất nhiều câu hỏi cho cha mẹ. Do vậy, để hướng trẻ đến yêu thích khoa học, ông cho rằng cần được nuôi dưỡng trong cộng đồng lớn hơn, không nên chỉ trong phạm vi gia đình. Những phụ huynh sẵn sàng dành thời gian cho con hướng đến tình yêu khoa học cần tạo thành một câu lạc bộ tạo ra những sân chơi giúp con thêm yêu khoa học. Ông cho rằng, đến khi trẻ nắm chắc kiến thức và đặt lại những câu hỏi cho cha mẹ như là một sự thách thức, khi đó khoa học thật sự thu hút và mang lại những cảm xúc tích cực và tình yêu với trẻ nhỏ. Hà An Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress