Khốn khổ vì giảm cân cực đoan

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Aug 25, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 73)

    Hà NộiSau ba tuần giảm cân bằng cách móc họng nôn ra thức ăn, Ngọc, 24 tuổi, bị kiệt sức, cổ họng đau rát kèm rối loạn tiêu hóa.


    Ngọc cao 1,53 m, nặng 96 kg, mắc béo phì độ ba, gan nhiễm mỡ do ăn uống không điều độ. Mỗi bữa, cô ăn ba bát cơm, một đĩa thịt rang kèm lon nước ngọt. Sau 30 phút, cô có thể tiêu thụ thêm các đồ ăn vặt như trà sữa, bánh tráng. Do cơn đói đến nhanh, Ngọc ăn uống không kiểm soát, dẫn đến béo phì, stress. Cô uống thuốc giảm cân, nhảy dây và ăn kiêng nhưng giảm được vài kg lại trở về số cân cũ.

    Lướt mạng, Ngọc tìm thấy cách "cưỡng ép" nôn sau ăn, "tức là nhai thực phẩm cho đỡ cơn thèm, sau đó móc họng cho thức ăn ra ngoài". Mỗi ngày, Ngọc ăn các món mình ưa thích, sau đó nôn ra. Nhiều lần, cô dùng thìa để kích thích cuống họng thay vì dùng ngón tay mới "tống" được thực phẩm ra ngoài. Cô giải thích áp dụng phương pháp này để "giải quyết cơn thèm ăn, để vẫn được ăn thoải mái mà không lo béo".

    Tuần đầu tiên, Ngọc bị mệt mỏi, chóng mặt và luôn cảm thấy đói. Do giảm được 2 kg, Ngọc vẫn tiếp tục kế hoạch của mình. Đến tuần thứ ba, cô căng thẳng, kiệt sức, không thể đi làm, cổ họng đau rát, chán ăn. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán cô bị suy kiệt do ăn uống không đủ chất, cổ họng sưng nề, viêm. Hiện, Ngọc giảm hơn 10 kg, song không dám khoe kết quả này.

    Cũng ám ảnh cân nặng, Thu, 22 tuổi, bắt chước người mẫu nước ngoài nhịn ăn và "móc họng" để giữ dáng. Mỗi ngày, cô chỉ ăn rau củ luộc và uống nước, kiêng hoàn toàn tinh bột. Cô không ăn ngoài hay đi chơi với bạn bè, luôn ăn riêng kể cả ở nhà. Khi thèm các thực phẩm khác, cô ăn sau đó vào nhà vệ sinh dùng tay kích thích cơn buồn nôn.

    Lâu dài, Thu cảm thấy mệt mỏi, ợ hơi nhiều, đau quặn bụng dữ dội về đêm. Đi khám, bác sĩ kết luận cô bị loét dạ dày và trào ngược thực quản do thói quen ăn uống không khoa học. Bác sĩ khuyên Thu nên đi khám tâm lý vì cô cao 1,6 m, nặng 50 kg, trong phạm vi bình thường, nhưng bị ám ảnh cân nặng.


    [​IMG]

    Theo các chuyên gia, ép nôn hết thức ăn ra ngoài là phương pháp phản khoa học, gây hại nhiều cơ quan như họng, dạ dày... Ảnh: Healthy


    Trên mạng xã hội hay các diễn đàn trực tuyến, nhiều hội nhóm chia sẻ bí quyết giảm cân, gồm cả phương pháp tiêu cực. Chẳng hạn "nhịn ăn giảm mỡ, uống nước cầm hơi, bỏ bữa sáng, cắt hết tinh bột"... Một số bài chia sẻ thuốc giảm cân, kẹo, kem tan mỡ. Tất cả đều được cam kết an toàn, "nguyên liệu 100% nhà làm". Bài đăng về phương pháp giảm cân tiêu cực luôn thu hút nhiều bình luận và lượt xem hơn cả.

    Hiện chưa có thống kê về số người Việt áp dụng các cách giảm cân cực đoan. Trong khảo sát cuối tháng 11/2022 của VnExpress trên 200 độc giả với câu hỏi "Bạn đã giảm cân theo cách nào?", 79% câu trả lời nói kiên trì tập luyện; 19% nhịn ăn, ăn kiêng, ăn thô; 2% thử sử dụng thực phẩm chức năng hoặc phẫu thuật thẩm mỹ.

    PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết nhịn ăn, bỏ bữa hay nôn thức ăn đều là cách giảm cân nguy hiểm và phản khoa học. Đặc biệt, phương pháp cưỡng ép nôn thực phẩm ra ngoài không ngăn chặn tăng cân như lời đồn, thậm chí gây nhiều nguy hại sức khỏe.

    Theo bác sĩ, nôn thường xuyên sẽ gây mất nước và sưng tuyến nước bọt. Cách này khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, năng lượng, dẫn đến suy kiệt, mệt mỏi. Chưa kể, axit từ dạ dày trào ngược lên có thể gây hại thực quản, dạ dày, mất dinh dưỡng, mất dịch tiêu hóa. Nôn ra hết thức ăn còn gây cảm giác thèm ăn, khiến cơn đói đến nhanh hơn, muốn ăn nhiều hơn. Khi cơ thể mệt mỏi, bạn có xu hướng ăn uống trở lại, dẫn đến béo hơn lúc ban đầu.

    "Đặc biệt người có tiền sử mắc bệnh dạ dày, tiêu hóa, càng nguy hiểm", bác sĩ nói.


    [​IMG]

    Chuyên gia khuyến cáo giảm cân lành mạnh bằng cách ăn uống đủ chất, hạn chế ăn vặt, kết hợp tập luyện. Ảnh: Freepik


    Tương tự, tiến sĩ Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai mũi họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khẳng định phương pháp giảm cân này có thể gây chấn thương vùng họng do tác động trực tiếp vào họng, ảnh hưởng niêm mạc, rách, chấn thương áp xe, viêm họng... Trường hợp cổ họng đang viêm hoặc không giữ vệ sinh còn khiến bộ phận này sưng nề, nhiễm khuẩn. Mức độ tổn thương tùy thuộc cường độ và cách thức can thiệp.

    "Có trường hợp dùng que, đũa, ngón tay có móng dài gây chấn thương, áp xe", bác sĩ nói, cho rằng phương pháp này nguy hiểm với tất cả mọi người, không nên áp dụng.

    Huấn luyện viên Đinh Thị Bích, hệ thống phòng tập Trends Kick Fitness, nói quy tắc giảm cân là lượng calo nạp vào cơ thể phải ít hơn hoặc bằng lượng calo tiêu thụ. Calo nạp vào cơ thể (calo in) một ngày gồm thức ăn, đồ uống. Calo tiêu thụ (calo out) là quá trình trao đổi chất, các hoạt động thông thường (kể cả hít thở hoặc ngủ) và việc tập thể dục.

    Các chuyên gia khuyến cáo mọi người giảm cân nên ăn nhiều chất xơ, ít năng lượng để đủ no (rau, trái cây ít ngọt, cá, đậu phụ...). Ăn nhiều vào buổi sáng, trưa và giảm về chiều tối, bữa ăn cuối cách thời gian đi ngủ ít nhất ba tiếng.

    Tuyệt đối không nhịn đói, chỉ giảm các loại thức ăn nhiều năng lượng như mỡ, món chiên, quay, xào, thịt mỡ, đồ ngọt. Ngoài ra, mỗi người chỉ nên giảm khoảng 1,5 đến hai kg trong một tháng. Không đặt cược tính mạng vào chiêu trò quảng cáo giảm cân cấp tốc hay phương pháp chưa được kiểm chứng.

    "Không quá lo lắng về cân nặng hay ép mình vào khuôn khổ, nên thoải mái và vui vẻ, giảm cân lành mạnh thì mới không tăng nhanh trở lại", huấn luyện viên Bích chia sẻ.

    Thùy An

    *Tên nhân vật đã được thay đổi


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Khốn khổ vì giảm cân cực đoan

Share This Page