Các nhà khoa học tìm ra phương pháp mới để truy dấu mảnh vỡ từ vụ tai nạn máy bay MH370 năm 2014 dựa vào vỏ hà biển. Hà sống trong môi trường có kiểm soát trong một thí nghiệm phục vụ cho nghiên cứu. Ảnh: Đại học Nam Florida Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí AGU Advances, việc phân tích thành phần hóa học trong vỏ của những con hà biển sống trên mảnh vỡ từ tai nạn máy bay MH370 có thể cung cấp manh mối về nơi xảy ra vụ tai nạn, Newsweek hôm 23/8 đưa tin. Phương pháp này có thể giúp tìm ra vị trí xác máy bay MH370. Đây là chuyến bay của Malaysia Airlines, khởi hành từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, biến mất vào ngày 8/3/2014. Các chuyên gia cho rằng máy bay rơi xuống Ấn Độ Dương, nhưng đến nay, phần còn lại của chiếc Boeing 777 chở 239 người vẫn chưa được tìm thấy. Hà biển bám nhiều trên những mảnh vỡ của MH370 dạt vào đảo Reunion, ngoài khơi châu Phi, một năm sau vụ tai nạn. "Phần cánh tà bị hà bao phủ và ngay khi thấy vậy, tôi lập tức bắt đầu gửi email cho các nhà điều tra vì tôi biết phân tích địa hóa học trên vỏ của chúng có thể cung cấp manh mối về vị trí vụ tai nạn", Gregory Herbert, phó giáo sư sinh thái biển tại Đại học Nam Florida, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. Một chiến binh Pháp chụp ảnh mảnh vỡ trên đảo Reunion ngày 11/8/2015. Một phần cánh được tìm thấy trên hòn đảo này cuối tháng 7/2015 và được xác nhận thuộc về chiếc Boeing 777 mất tích ngày 8/3/2014. Ảnh: Richard Bouhet/AFP Hà là động vật giáp xác nhỏ sống trên thành tàu, các tảng đá, thậm chí trên cá voi. Herbert đã nghiên cứu vỏ hà nhiều thập kỷ và tìm ra cách xác định nhiệt độ đại dương ở những nơi chúng từng sống dựa vào các tín hiệu hóa học. Sinh vật biển có vỏ phát triển vỏ của chúng mỗi ngày, bổ sung những lớp giống như vòng tuổi trong cây, đặc điểm hóa học của mỗi lớp được quyết định bởi nhiệt độ nước tại thời điểm hình thành lớp đó. Trong nghiên cứu mới, nhóm tác giả áp dụng phương pháp này cho những con hà thu thập từ mảnh vỡ của MH370. Họ kết hợp số liệu đo đạc vỏ hà với mô hình hải dương học và tạo ra một bản phục dựng cho thấy các mảnh vỡ có thể trôi nổi đến đâu sau vụ tai nạn. Tuy nhiên, những con hà mà nhóm chuyên gia thu thập được không sống trên mảnh vỡ ngay sau tai nạn mà bám vào trong thời gian gần đây hơn. Do đó, họ chưa thể thu được bức tranh hoàn chỉnh. "Đáng buồn là vẫn chưa có những con hà lớn nhất và già nhất để phân tích. Nhưng với nghiên cứu mới, chúng tôi đã chứng minh phương pháp này có thể áp dụng cho những con hà bám trên mảnh vỡ ngay sau vụ tai nạn, nhờ đó tái tạo hoàn chỉnh hành trình trôi dạt và truy ra vị trí tai nạn", Herbert cho biết. "Nhà khoa học Pháp Joseph Poupin, một trong những nhà sinh vật học đầu tiên nghiên cứu mảnh cánh tà, kết luận rằng những con hà lớn nhất bám trên đó có thể đủ già để sống trên các mảnh vỡ ngay sau tai nạn, rất gần với vị trí vụ tai nạn xảy ra, nơi xác máy bay đang yên nghỉ. Nếu vậy, nhiệt độ được ghi nhận trong những chiếc vỏ có thể giúp các nhà điều tra thu hẹp phạm vi tìm kiếm", ông nói thêm. Thu Thảo (Theo Newsweek) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress