Na Uy mở cửa trang trại điện gió nổi lớn nhất thế giới ở biển Bắc hôm 23/8, giúp chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh. Trang trại điện gió nổi ngoài khơi Hywind Tampen nằm giữa các mỏ dầu khí Snorre và Gullfaks của công ty năng lượng Equinor. Ảnh: Ole Berg-Rusten/ NTB/AFP Trang trại điện gió nổi Hywind Tampen gồm 11 turbine, mỗi turbine tạo ra tới 8,6 MW điện, đáp ứng khoảng 35% nhu cầu năng lượng cho 5 giàn khoan dầu khí gần đó. Trang trại nằm cách bờ biển khoảng 140 km, bắt đầu sản xuất vào cuối năm ngoái nhưng mới được Thái tử Na Uy Haakon và Thủ tướng Jonas Gahr Store chính thức khánh thành hôm 23/8. "Chúng tôi và người châu Âu đều cần nhiều điện hơn. Chiến sự Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình trạng này. Điện phải được lấy từ các nguồn tái tạo nếu châu Âu muốn đạt được những mục tiêu về khí hậu", Store cho biết. Khác với các turbine gió ngoài khơi gắn cố định xuống đáy biển, turbine nổi - đúng như tên gọi - được đặt trên một cấu trúc nổi neo vào đáy biển. Điều này giúp lắp đặt chúng ở những vùng nước sâu hơn và xa bờ hơn, nơi gió ổn định và mạnh hơn. Tuy nhiên, chi phí xây dựng chúng cũng cao hơn. Quá trình xây dựng Hywind Tampen ở độ sâu 260 - 300 m tiêu tốn khoảng 691 triệu USD. Dự án thuộc sở hữu của các tập đoàn dầu khí Equinor và Petoro (Na Uy), OMV (Áo), công ty con Var Energi thuộc công ty Eni (Italy), Wintershall DEA (Đức) và Inpex (Nhật Bản). Hywind Tampen dự kiến giúp giảm 200.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm, tương đương 0,4% tổng lượng khí thải CO2 của Na Uy năm 2022. Một số nhà bảo vệ môi trường nhận xét việc mở cửa trang trại này là tích cực vì giúp giảm lượng CO2 của đất nước, trong khi số khác cho rằng Na Uy nên ngừng sản xuất dầu khí. Thu Thảo (Theo AFP, Reuters) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress