Sau khi trạm đổ bộ Vikram đáp thành công xuống Mặt Trăng, robot Pragyan bắt đầu quá trình rời khỏi trạm lúc 23h13 ngày 23/8 (giờ Hà Nội). Mô phỏng trạm đổ bộ và robot tự hành của nhiệm vụ Chandrayaan-3. Video: ISRO Đến gần 10h sáng 24/8 (giờ Hà Nội), Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) xác nhận trên mạng xã hội Twitter rằng robot Pragyan đã rời trạm đổ bộ Vikram và bắt đầu hành trình thám hiểm bề mặt Mặt Trăng. "Robot tự hành của nhiệm vụ Chandrayaan-3 được chế tạo tại Ấn Độ. Robot đi xuống từ trạm đổ bộ và Ấn Độ đã dạo bước trên Mặt Trăng", ISRO viết. Bức ảnh đầu tiên cho thấy robot tự hành Pragyan đang xuống khỏi trạm đổ bộ Vikram. Ảnh: ISRO Pragyan là tên gọi theo Hindu giáo, nghĩa là người sở hữu kiến thức và trí tuệ vĩ đại. Robot Pragyan có kích thước tương đương một con chó chăn cừu Đức nhỏ. Theo kế hoạch, nó sẽ thu thập những mẫu vật cực nam Mặt Trăng đầu tiên trong lịch sử. Nghiên cứu của robot có thể đóng vai trò quan trọng giúp tìm hiểu cách khai thác nước trên Mặt Trăng - mục tiêu mà mọi quốc gia quan tâm đến thiên thể này đều hướng tới. Robot tự hành mang theo các thiết bị laser và chùm hạt alpha để nghiên cứu thành phần của cực nam Mặt Trăng. Nó cũng sẽ sử dụng các dụng cụ khoa học mang tên RAMBHA và ILSA để nghiên cứu khí quyển, đồng thời đào mẫu vật để phân tích thêm về thành phần của bề mặt Mặt Trăng. Các tia laser của robot sẽ thử làm tan chảy một mẫu vật nhằm phân tích các khí tỏa ra, giúp tìm hiểu về cấu tạo hóa học của cực nam Mặt Trăng, theo Times of India. Robot tự hành Pragyan nặng 26 kg. Nó chạy bằng năng lượng Mặt Trời và có thời gian thực hiện nhiệm vụ dự kiến là một ngày Mặt Trăng (bằng khoảng 14 ngày Trái Đất), trước khi thay đổi thời tiết, đêm Mặt Trăng tối và lạnh buông xuống, khiến cạn kiệt pin. Robot sẽ cùng với trạm đổ bộ Vikram thực hiện hàng loạt thí nghiệm như phân tích quang phổ về thành phần khoáng chất của bề mặt Mặt Trăng. Vikram mang 4 bộ thiết bị khoa học, trong đó có đầu dò nhiệt với khả năng đâm sâu vào đất Mặt Trăng khoảng 10 cm và ghi nhận nhiệt độ của đất đá xuyên suốt ngày Mặt Trăng. Trạm đổ bộ cũng trang bị một bộ phản xạ ngược, dự kiến vẫn phát huy tác dụng rất lâu sau khi trạm đổ bộ này ngừng hoạt động. Trong khi đó, robot Pragyan mang theo Máy quang phổ phát xạ laser (LIBS) và Máy quang phổ tia X hạt Alpha (APXS) để nghiên cứu đất đá Mặt Trăng. Trạm đổ bộ Vikram của tàu Chandrayaan-3 hạ cánh thành công xuống khu vực gần cực nam Mặt Trăng lúc 19h34 ngày 23/8 (giờ Hà Nội). Thành công của Chandrayaan-3 đưa Ấn Độ trở thành nước thứ 4 trên thế giới hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng, chỉ sau Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc. Nhiệm vụ cũng đánh dấu sự nổi lên của Ấn Độ trong vai trò một cường quốc vũ trụ mới. Thu Thảo (Theo India Today) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress