Trầm cảm "ẩn" nguy hiểm do nhiều người mắc nhưng không thừa nhận bản thân mang bệnh, dẫn đến bỏ lỡ thời cơ vàng điều trị, gây nguy hiểm tính mạng. Đầu tháng 8, trong hội thảo về sức khỏe tâm thần, ông Cao Hưng Thái, Cục phó Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ rối loạn tâm thần ở nước ta chiếm gần 15% dân số, cứ 7 người Việt thì có một người mắc bệnh, phần lớn không được điều trị. Trong các bệnh rối loạn tâm thần, trầm cảm ẩn là chứng bệnh cần quan tâm đặc biệt, theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội). Bà Thu nói trầm cảm ẩn - hay còn gọi trầm cảm "mỉm cười" - là chứng bệnh tâm thần không điển hình, dấu hiệu mờ nhạt. Người bệnh thường cố gắng che giấu các triệu chứng hoặc không muốn thừa nhận bệnh tình của mình. Hiện chưa có thống kê chính thức Việt Nam có bao nhiêu người mắc trầm cảm ẩn. Một số dấu hiệu nhận biết bao gồm dễ xúc động, hay nói triết lý, ăn ngủ thất thường, suy nghĩ bi quan, nội tâm giằng xé nhưng luôn tỏ ra hạnh phúc, vui vẻ, xu hướng che giấu bệnh. Một số khác cố chấp, không thừa nhận mình đang mắc trầm cảm ẩn, cho rằng chỉ là thay đổi tâm lý do áp lực cuộc sống, công việc, bệnh sẽ tự khỏi. Thực tế, những người mắc trầm cảm ẩn đều cảm thấy cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng, hay buồn bực, cáu giận, không tìm thấy niềm vui và hứng thú. Bác sĩ nhận định trầm cảm ẩn tiến triển từ từ, các triệu chứng bộc lộ không rõ ràng, lâu dần khó hồi phục, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến căng thẳng mạn tính, sút cân, mất việc làm, xung đột trong các mối quan hệ, tự sát. Trầm cảm cũng là yếu tố khiến cho các bệnh lý khác trở nên trầm trọng, phức tạp, khó điều trị hơn như tim mạch, dạ dày, tuyến giáp. Đặc biệt, việc giấu bệnh khiến người mắc bỏ lỡ cơ hội điều trị, trong khi có thể điều trị hiệu quả nếu được khám sớm, kiên trì theo phác đồ, theo bác sĩ Thu. Nhiều người giấu bệnh hoặc đi khám muộn, khiến các rối loạn tâm thần trở nên trầm trọng. Ảnh: Merald Psychiatry Bên cạnh trầm cảm ẩn, có nhiều loại rối loạn tâm thần, bao gồm trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, tâm thần phân liệt, mất trí, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ và các rối loạn tâm thần khác. Mỗi loại bệnh lý lại có những triệu chứng rất đa dạng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 340 triệu người trên thế giới mắc trầm cảm và ít nhất 15% dân số có biểu hiện trầm cảm rõ rệt ở một giai đoạn nào đó trong cuộc sống. Năm 2000, trầm cảm đứng thứ 4 trong 15 bệnh gây gánh nặng bệnh tật toàn cầu, dự đoán năm 2030 sẽ lên vị trí thứ nhất. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt từ 25 đến 44, trong đó bệnh nhân nữ gấp đôi nam. Phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ mắc trầm cảm gấp hai lần so với chưa mãn kinh. Tại các cơ sở y tế chuyên khoa, số lượng bệnh nhân đến thăm khám các bệnh lý liên quan đến trầm cảm tăng 20-30% mỗi năm. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 khiến sức khỏe tinh thần của nhiều người bị ảnh hưởng trầm trọng hơn. Khả năng chịu áp lực của người trẻ cũng chưa tốt, dễ mất phương hướng trước các áp lực. Bộ Y tế đang xây dựng hai đề án gồm tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần giai đoạn 2023-2030 và tăng cường năng lực giám định pháp y tâm thần. Việt Nam đặt mục tiêu tỷ lệ người được định kỳ sàng lọc, phát hiện sớm rối loạn tâm thần đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030. Khoảng một nửa số trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ hoặc có vấn đề về sức khỏe tâm thần được can thiệp sớm vào năm 2030. Để phòng ngừa, bác sĩ khuyến cáo gia đình cần nâng cao hiểu biết về triệu chứng của các rối loạn tâm thần, nhất là trầm cảm ẩn. Cha mẹ cần đồng hành cùng con trong học tập, vui chơi, thậm chí khi sử dụng mạng xã hội, quản lý các nguồn thông tin xấu, xây dựng một môi trường an toàn như cất kỹ những vật không an toàn như thuốc hoặc vật sắc nhọn. Một số phương pháp giúp cải thiện cảm xúc gồm tập thể dục, chế độ ăn tốt cho sức khỏe, chia sẻ cùng người thân trong gia đình. Mỗi người cần học sống lạc quan, duy trì các sở thích riêng, tránh xa các chất kích thích và đảm bảo chất lượng giấc ngủ. Nếu cảm thấy không giải quyết được vấn đề, cần đi khám ngay để giảm hệ quả. Các chuyên gia cho rằng hiện vẫn nhiều sự thiếu hiểu biết, sợ hãi và thái độ phân biệt đối xử về các vấn đề sức khỏe tâm thần và bệnh tâm thần. Do đó, cần nỗ lực nâng cao nhận thức người dân, xóa bỏ sự kỳ thị, khuyến khích các cá nhân liên hệ với bạn bè, gia đình và các chuyên gia khi đối mặt với những thách thức về sức khỏe tâm thần. Thúy Quỳnh Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress