Hết scandal, truyền hình thực tế đi về đâu?

Discussion in 'Làng Showbiz' started by Robot Siêu Nhân, May 6, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 589)

    Mạnh ai nấy làm

    Trong vài năm gần đây, tình trạng nở rộ các chương trình truyền hình thực tế trên hai kênh giải trí lớn nhất là VTV3 và HTV7 khiến người ta lo ngại.

    Thoạt nhìn, sẽ nghĩ nền công nghiệp truyền hình nước nhà đang phát triển thịnh vượng khi hàng loạt những chương trình thực tế ăn khách nhất thế giới hiện nay như The Voice, The Winner Is…, Idol, Project Runway, Next Top Model và tới đây là The X-Factor đang liên tục đổ bộ vào Việt Nam.

    Thế nhưng có thể thấy sự dễ dãi của nhà đài trong việc quản lý các chương trình dẫn đến tình trạng loạn các show truyền hình thực tế tại Việt Nam. Hàng loạt các chương trình có nội dung ná ná nhau đổ bộ lên sóng trong một năm như Vietnam Idol, The Voice, The Winner Is…,Got Talent,…

    Bên cạnh đó là các chương trình tìm kiếm tài năng có tuổi đời dài hơn do đài truyền hình sản xuất như Sao Mai, Sao mai điểm hẹn, Tiếng hát truyền hình,… Tất cả dkhiến cho khán giả rơi vào tình trạng “no xôi chán chè”, đôi khi chẳng phân biệt được chương trình nào với chương trình nào.

    [​IMG]
    Một quốc gia có nền công nghiệp âm nhạc phát triển nhất thế giới như Mỹ mỗi năm cũng chỉ có 3 cuộc thi lớn là American Idol, The Voice và The X-Factor, thế mà ở Việt Nam hiện nay số lượng các cuộc thi hát lên đến cả chục.

    Một quốc gia có nền công nghiệp âm nhạc phát triển nhất thế giới như Mỹ mỗi năm cũng chỉ có 3 cuộc thi lớn là American Idol, The Voice và The X-Factor. Thế mà ở Việt Nam hiện nay số lượng các cuộc thi hát lên đến cả chục. Tài năng thì có hạn, việc đào tạo cũng phải mất hàng chục năm mới có thể cho ra lò một lứa ca sĩ.

    Việc bùng nổ các chương trình thực tế tìm kiếm tài năng ca hát thời gian qua đã dẫn đến việc khan hiếm thí sinh. Các cuộc thi chạy lòng vòng đi kêu gọi, mời mọc những thí sinh đã xuất hiện trong các cuộc thi trước đó.

    Và tất nhiên, khi chiêu mộ những gương mặt cũ, giọng ca cũ, nhà sản xuất phải gia công “tô điểm” lại cho các thí sinh này để họ hấp dẫn hơn khi lên sóng truyền hình. Cách “tô điểm” được ưa chuộng nhất hiện nay chính là việc tạo scandal quanh thí sinh cùng với đó là tung những lời khen có cánh dành cho tài năng của họ nhằm gia tăng lượng người xem cho chương trình.

    Chính bởi vướng phải cái vòng khan hiếm thí sinh mà các chương trình truyền hình thực tế tại Việt Nam đang ngày càng loạn giá trị. Mạnh ai nấy làm. Người ta đưa ra những tiêu chí về giá trị nghệ thuật cho mỗi chương trình là khác nhau. Thậm chí tiêu chí nghệ thuật của nhà sản xuất dễ dãi đến mức ngạc nhiên.

    Bản chất của truyền hình thực tế cho dù ngay cả là những cuộc tìm kiếm tài năng cũng chỉ là một chương trình giải trí đơn thuần. Nhưng vấn đề là, người sản xuất ra chúng có thái độ như thế nào với cuộc chơi ấy?

    Truyền hình thực tế của ngày hôm nay được nhuốm màu bởi những scandal tai tiếng. Chẳng nhà sản xuất nào dám nhận những scandal kia là lỗi của họ. Tất cả đều đổ cho chúng là “tai bay vạ gió”.

    “Tai bay vạ gió” đến càng nhiều, chương trình càng càng ầm ĩ thì càng lợi cả tiếng tăm lẫn tiền bạc, dù đó là những scandal hết sức phản cảm và vô lương tâm. Đó cũng là bước đường cùng của truyền hình thực tế tại Việt Nam.

    Bởi dù là cuộc chơi, người xem rất cần sự công bằng, sòng phẳng; mà các chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam lại khó mà sòng phẳng, rạch ròi. Kết quả của cuộc chơi nào cũng nhuốm màu dàn xếp khiến người xem không khỏi mất niềm tin.

    [​IMG]
    Các ngôi sao tham gia truyền hình thực tế thường là những người hết thời hoặc còn chưa nổi tiếng, cần tìm một chỗ đứng vững chắc hơn.

    Đây là hệ quả tất yếu khi các chương trình buộc phải theo luật chơi chung của nhà đài và nhà sản xuất. Chúng phải có đạo diễn, phải được dàn dựng bài bản theo đúng quy trình để đẩy những tình tiết phụ bên lề cuộc thi trở thành tình tiết chính gay cấn, cao trào khiến truyền thông và khán giả phải sốt sình sịch lên.

    Kết quả bình chọn luôn được giấu kín trong các chương trình thực tế tại Việt Nam, đó là đảm bảo vàng cho các nhà sản xuất mặc sức tung hoành dàn dựng thậm chí là dàn xếp. Những người làm chương trình hiểu rõ khi vào cuộc chơi họ phải chọn ai, người ấy nói gì, ứng xử ra sao sẽ tạo được dư luận.

    Thế nên đa phần đối tượng tham gia “chơi” trong các chương trình truyền hình thực tế, đều có những toan tính riêng cho mình. Với các cuộc thi, thí sinh không phải là người nổi tiếng thì cơ hội được lên hình là cánh cửa mở ra một chân trời mới cho họ trên con đường sự nghiệp.

    Với các chương trình có người chơi là ngôi sao, họ tham gia cuộc chơi với những mục đích khác nhau. Nhưng đa phần trong đó là tìm một cánh cửa đến với khán giả gần hơn. Đó là lý do tại sao các ngôi sao tham gia truyền hình thực tế thường là những người hết thời hoặc còn chưa nổi tiếng, cần tìm một chỗ đứng vững chắc hơn.

    Khi vào cuộc chơi cả người chơi và ban giám khảo đều là diễn viên của chương trình ấy. Họ yêu nhau, ghét nhau, thậm chí cãi vã kịch liệt cũng là những diễn xuất nhằm tạo cho chương trình hào hứng hơn, nhiều người theo dõi hơn.

    Với một cuộc chơi mà ở đó, ai cũng có toan tính riêng từ nhà đài, nhà sản xuất cho đến thí sinh thì khán giả cũng đừng kỳ vọng gì. Cứ nghĩ đơn giản xem người ta chơi, xem người ta diễn cho vui. Nghĩ được thế, người xem sẽ không buồn, không sốc khi có những tin đồn sắp xếp, những scandal được tung ra từ các chương trình thực tế.

    Tương lai nào cho truyền hình thực tế?

    Sự đổ bộ ào ạt các chương trình truyền hình thực tế trên sóng các đài truyền hình lớn như VTV, HTV trong vài năm gần đây đã đo được phần nào thị hiếu chung của khán giả. Có thể thấy, với cung cách làm “ăn xổi’ của các nhà sản xuất truyền hình thực tế hiện nay, nguy cơ chết yu của các chương trình này là khá lớn.

    Đơn cử như Idol, phiên bản tìm kiếm tài năng ca hát có tuổi thọ lâu nhất hiện nay trên thế giới. Ở Mỹ, chương trình đã đi đến mùa thứ 12, hiện đang bị đánh giá là khá nhạt. Dù nhà sản xuất đã mời diva Mariah Carey và nữ rapper nóng bỏng Nicki Minaj để dẫn dụ cảm xúc của khán giả, đôi khi lôi kéo cả giới truyền thông vào “mê trận” những tranh cãi nảy lửa.

    [​IMG]
    Với cách làm ăn xổi, chạy theo scandal của các nhà sản xuất truyền hình thực tế hiện nay, nguy cơ chết yếu của các chương trình này là khá lớn.

    Trong khi đó, Vietnam Idol mới bước qua mùa thứ 4 đã có khả năng chết yu. Sau mùa thứ nhất thành công chút đỉnh, mùa thứ hai của Vietnam Idol là một thất bại thảm hại khi top 3 Quốc Thiên, Thanh Duy, Duyên Anh là những thí sinh có khả năng ca hát khá tầm thường.

    Sau khi đổi nhà sản xuất sang công ty BHD, mùa thứ ba của Vietnam Idol, năm 2010, thành công rực rỡ nhờ hàng loạt các scandal, nhưng quan trọng hơn, người ta tìm ra được cách gây hiệu ứng khán giả tốt với nhân tố Uyên Linh.

    Mùa thứ 4, năm 2012, vừa khép lại với chiến thắng của Ya Suy được xem là thất bại về mặt nghệ thuật của chương trình. Một mùa thi có quá nhiều thí sinh có chất lượng kém, cộng với câu chuyện hậu trường tẻ nhạt khiến Vietnam Idol đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vì không theo kịp lượng rating các chương trình cùng loại như The Voice.
    Vietnam’s Got Talent
    mới lên sóng mùa thứ hai nhưng cũng đã gây ngán cho khán giả truyền hình. Nửa năm trời tìm kiếm tài năng Việt Nam, người ta được xem nhiều những niềm vui, nỗi buồn của thí sinh hơn là xem tài năng thực sự của họ.


    Sự lên ngôi của quán quân Trần Hữu Kiên ở mùa thứ hai được xem là xứng đáng so với mặt bằng chất lượng của top 4 lọt vào đêm gala xếp hạng. Nhưng nhìn rộng ra, quán quân Vietnam’s Got Talent 2012 khó lòng tỏa sáng được sau cuộc thi.

    Khi cuộc chơi chỉ dừng lại ở những niềm vui, nỗi buồn trong gần 90 phút phát sóng mà không tạo nên một giá trị nghệ thuật thực nào cho đời sống thì cuộc chơi đúng nghĩa chỉ là cuộc chơi. Và chơi mãi, với những trò chơi nhàm chán lặp lại và với những người chơi không xuất sắc hơn các cuộc thi khác, tất yếu người xem sẽ quay lưng lại với chương trình.

    Với hàng loạt tai tiếng vấp phải, nhiều game show truyền hình thực tế Việt đang ngày càng nhạt nhẽo, xuống cấp và mất điểm trong mắt người xem. Khán giả hiện không còn tin vào sự trung thực, vào kết quả và diễn biến diễn ra trong các chương trình.

    Rồi sẽ đến lúc, thí sinh, cả người bình thường lẫn người nổi tiếng, có tự trọng, sẽ cân nhắc trước những lời mời gọi của các chương trình thực tế. Họ sẽ không muốn mình là con rối hay quân cờ trong tay nhà sản xuất. Bởi họ sợ mình sẽ bị biến thành trò hề trên truyền hình.

    [​IMG]
    Sau những ồn ào của mùa đầu tiên, năm nay The Voice Vietnam hạ quyết tâm mời được bộ ba quyền lực của làng nhạc là Hồng Nhung, Mỹ Linh và Quốc Trung ngồi ghế nóng.

    Dự báo được tương lai này nên các nhà sản xuất truyền hình thực tế ở Việt Nam bắt đầu có sự chuyển hướng trong cách làm. Người ta đang dần đi đến kiện toàn bộ máy sản xuất các chương trình thực tế để chúng có giá trị hơn trong đời sống.

    The Voice Vietnam 2013 là một ví dụ điển hình. Sau những ồn ào của mùa đầu tiên, năm nay The Voice Vietnam hạ quyết tâm mời được bộ ba quyền lực của làng nhạc là Hồng Nhung, Mỹ Linh và Quốc Trung ngồi ghế nóng.

    Chí ít với tên tuổi của bộ ba này, chương trình cũng sẽ được đảm bảo chất lượng nghệ thuật hơn trong mắt người làm nghề. Bởi tiếng nói của bộ ba này đang có ảnh hưởng lớn trong đời sống âm nhạc.

    Hướng đi của The Voice Vietnam đang là hướng đi hợp thời cho phong cách làm truyền hình thực tế mới tại Việt Nam. Người làm nghề và nhà sản xuất một khi tìm được “tiếng nói chung” thì hoàn toàn có thể tìm ra phương cách thực hiện các chương trình thực tế tốt.

    Các chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Nhưng chỉ có cách sáng tạo để có được những chương trình chất lượng một cách thực sự, chứ không chỉ dựa vào hiệu ứng chiêu trò scandal mới là cách giúp các chương trình không bị đào thải.

    Theo VTC/ Mốt & Cuộc sống
     
  2. Facebook comment - Hết scandal, truyền hình thực tế đi về đâu?

Share This Page