Các nhà khảo cổ từng phát hiện xác ướp của một người phụ nữ giàu có với niên đại gần 2000 năm nhưng danh tính của bà vẫn là điều bí ẩn. Xác ướp mạ vàng có tên gọi Quý bà Isaious. Ảnh: Pinterest William Matthew Flinders Petrie là một trong những nhà Ai Cập học và khảo cổ học nổi tiếng với các phát hiện tại Ai Cập. Một phát hiện nổi bật về độ độc đáo trong số đó là xác ướp mạ vàng đặc biệt thuộc về quý bà Isaious, theo Ancient Origins. Năm 1911, Flinders Petrie tiến hành khai quật khảo cổ mùa thứ ba ở Hawara, Ai Cập. Di chỉ quan trọng này nằm ở phía nam thành phố cổ đại nổi tiếng Crocodilopolis. Trong số phát hiện có một lượng lớn xác ướp thuộc về thời kỳ Hy Lạp - La Mã của nền văn minh Ai Cập, khi hội họa cổ điển và phong tục của nền văn minh này chịu ảnh hưởng lớn từ văn hóa vùng Địa Trung Hải. Số xác ướp phát hiện ở Hawara cực lớn, thuộc về cư dân bình thường thời đó, không có tên gọi hoặc chi tiết xa hoa. Một số có chân dung sơn màu gọi là "chân dung xác ướp Faiyum". Nhưng vài xác ướp thuộc về cá nhân nổi bật, tầng lớp quý tộc và người giàu có, do đó được trang trí đặc biệt. Một xác ướp mạ vàng toàn bộ và trang trí tỉ mỉ nhanh chóng thu hút sự chú ý của Flinders Petrie và đồng nghiệp. Họ gọi xác ướp là Quý bà Isaious và nỗ lực khám phá danh tính của người phụ nữ quý tộc giàu có. Phong cách của xác ướp mạ vàng này rất độc đáo, kết hợp cẩn thận tập tục Ai Cập truyền thống với ảnh hưởng riêng biệt của Hy Lạp - La Mã. Gương mặt có những đặc điểm lý tưởng ở thời vương triều Ptolemy (năm 305 đến 30 trước Công nguyên trong khi lối trang trí mang đặc trưng Ai Cập. Flinders Petrie xác định xác ướp có niên đại vào thế kỷ 1, ở giai đoạn cuối của thời kỳ Ptolemy. Nửa thân trên của xác ướp là ngực và đầu được mạ vàng hoàn toàn, kèm theo mặt nạ vô cùng chi tiết. Trong tay người phụ nữ có một vòng vòng hoa và trên đầu bà vấn kiểu tóc của truyền thống của Ai Cập. Những lọn tóc uốn xoăn tùy ý, trong khi chiếc vòng cổ xa hoa hé lộ sự giàu có của bà. Vòng tay hình con rắn của người phụ nữ là biểu tượng thường gặp ở Ai Cập. Rắn hổ mang là vật bảo vệ người chết ở thế giới bên kia. Trang sức lấp lánh ánh vàng với nhiều điểm nhấn thể hiện văn hóa La Mã, khác xa những xác ướp Ai Cập vốn thường u ám hơn. Phần thân dưới của xác ướp phủ một tấm vải liệm màu đỏ. Trên tấm vải có những hình ảnh về thế giới bên kia của Ai Cập cổ đại như thần cai quản quá trình ướp xác Anubis, thần cai quản Mặt Trăng Thoth, nữ thần bầu trời Nut. Ở mặt bên của vải liệm là chữ tượng hình liên quan tới hành trình của linh hồn sang thế giới bên kia. Bàn chân của Quý bà Isaious đi đôi dép hộp trang trí tỉ mỉ. Mặt dưới dép còn nguyên vẹn, vẽ hình hai kẻ thù, hàm ý người phụ nữ sẽ vĩnh viễn đạp lên họ và thể hiện sức mạnh của bà. Cho tới nay, danh tính của Quý bà Isaious vẫn là một bí ẩn. Có thể bà thuộc tầng lớp quý tộc địa phương, đến từ một gia đình đủ giàu có để chôn cất xa xỉ như vậy. Sau khi phát hiện vào năm 1911, xác ướp được chuyển đến bảo tàng Manchester ở Anh để phục dựng kỹ lưỡng và bảo quản cho nghiên cứu. An Khang (Theo Ancient Origins) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress