Máy bay siêu thanh X-59 hứa hẹn bay rất êm trên đất liền thay vì tạo ra tiếng nổ làm rung chuyển mặt đất như máy bay Concorde. Máy bay X-59 lăn bánh khỏi xưởng. Video: Lockheed Martin X-59 QuessT (Quiet SuperSonic Technology) là máy bay phản lực thử nghiệm hướng tới giảm lượng tiếng nổ siêu thanh sinh ra khi máy bay phá vỡ rào cản âm thanh. Thay vì tiếng ầm ầm làm rung chuyển mặt đất do máy bay đạt vận tốc âm thanh (Mach 1 hay 1.235 km/h), X-59 chỉ tạo ra tiếng động tương tự âm thanh sập cửa xe hơi. Lockheed Martin, công ty đang chế tạo mẫu máy phản lực ở cơ sở sản xuất máy bay tiên tiến Skunk Works tại Palmdale, California, chia sẻ video quay khoảnh khắc X-59 lăn bánh rời khỏi nhà kho và sẵn sàng cho thử nghiệm bay, Space hôm 4/8 đưa tin. Thước phim hé lộ hình dáng độc đáo của X-59 với phần mũi nhọn kéo dài 11,5 m. Tuy nhiên, do chiều dài phần mũi, phi công lái X-59 không thể nhìn ra ngoài buồng lái do không có kính chắn gió ở mặt trước. Để khắc phục điều này, máy bay thử nghiệm trang bị Hệ thống nhìn ngoại cảnh (XVS). Về cơ bản, XVS là một hệ thống video mạch kín bao gồm camera quay phía trước và màn hình hiển thị trong buồng lái ở trước mặt phi công. Hệ thống sử dụng phần mềm xử lý hình ảnh tùy chỉnh và hệ thống camera để tạo ra tầm nhìn thực tế ảo khung cảnh phía trước cho phi công lái X-59 cùng với đồ họa dữ liệu bay, theo NASA. Sau khi lắp ráp X-59, đội ngũ NASA và Lockheed Martin sẽ tiến hành thử nghiệm trên mặt đất để chắc chắn máy bay an toàn và sẵn sàng bay. Khi phương tiện sẵn sàng cho thử nghiệm bay, nó sẽ bay lướt qua các khu dân cư để phân tích mọi người trên mặt đất phản ứng như thế nào đối với âm thanh phương tiện tạo ra. NASA sẽ gửi dữ liệu thu được cho cơ quan quản lý như Cục hàng không liên bang (FAA) để xin cấp phép bay siêu thanh thương mại. Hoạt động bay siêu thanh trên đất liền và trong phạm vi nhất định quanh vùng ven biển Mỹ bị cấm từ nam 1973, theo FAA. NASA hy vọng phát triển máy bay có thể siêu thanh, giúp giảm một nửa thời gian bay nội địa trong tương lai. An Khang (Theo Space) Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress