Nghiện thẩm mỹ

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Aug 5, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 112)

    Hà NộiTự ti vì ngoại hình, Hà Nhuận Nam, 35 tuổi, phẫu thuật thẩm mỹ khoảng 20 lần, trong đó 13 lần sửa mũi.


    ''Tôi lớn lên với thân hình gầy gò, da đen bánh mật, rất tự ti", Nam nói, thêm rằng ước mơ "đập đi xây lại" gương mặt đã được anh ấp ủ nhiều năm nay.

    13 năm trước, khi mới ra trường, anh nộp hồ sơ vào nhiều cơ quan nhưng đều bị từ chối, với lý do ngoại hình không phù hợp. Trong lúc buồn chán, Nam thường xuyên lên mạng, ''tìm hiểu về người nổi tiếng, hễ thấy ai đẹp là ngưỡng mộ và muốn gom nhặt vẻ đẹp của từng người để hoàn thiện mình''.

    Năm 2013, Nam vay 40 triệu đồng để sửa lại hàm răng khấp khểnh, xỉn màu, bằng phương pháp bọc răng sứ. Kể từ đó, anh lần lượt sửa mũi, nhấn mí, cắt bọng mắt dưới, tạo hình môi trái tim, cằm, chân mày. Trong đó, ca mổ kéo ngắn trán là ám ảnh nhất. Trước đó, anh tự ti vì trán cao, dô, luôn phải đội mũ hoặc đeo khăn để che đi. Anh mất hai năm để thuyết phục bác sĩ thực hiện cuộc mổ đồng thời tìm hiểu về rủi ro, chấp nhận giảm tuổi thọ để có ngoại hình như kỳ vọng.

    "Bác sĩ cắt theo đường chân tóc phần trán từ bên này qua kia, rồi lấy da trên đỉnh đầu từ trán kéo về sau", Nam nhớ lại. Khi hết thuốc tê, các cơn đau buốt dồn dập ập đến. Anh bị mất cảm giác vùng đầu, sợ bị liệt dây thần kinh, hạn chế ra đường và không được gội đầu trong vòng một tháng để tránh nhiễm trùng vết thương.

    Mũi là bộ phận mà Nam can thiệp nhiều nhất, khoảng 13 lần. Có lần, anh bị xuất huyết chảy máu, phải thở được bằng miệng suốt một tuần vì lỗ mũi sưng vù, bịt kín, như "cá chết cạn". Ở cằm, anh tiêm filler (chất làm đầy) để tạo hình V-line. Vài tháng sau filler tan, anh lại độn sụn. Sau độn, Nam bị chê "mũi dài như phù thủy" nên lên bàn mổ tháo miếng độn.


    [​IMG]

    Nhuận Nam trước và sau phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp


    Cũng không hài lòng với vẻ ngoài của mình, Thu Ngọc, 29 tuổi, nhiều lần tìm tới bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Cô cao 1,65 m, béo ở bụng, bắp tay và đùi. Từ dậy thì, cô không dám mặc đồ ngắn, ngày nào cũng lên cân, đo vòng eo, quan sát từng thay đổi nhỏ trên cơ thể.

    Cô đến bệnh viện để hút mỡ, bác sĩ khẳng định cơ thể cân đối, "không đủ lượng mỡ để hút". Ngọc chi 200 triệu đồng để tiêm filler thon gọn mặt, tạo hình môi trái tim, nâng ngực. Dù vậy, cô gái chưa hài lòng, nói ''phải đẹp đến hơi thở cuối cùng".


    Nam hay Ngọc là hai trong nhiều trường hợp "nghiện thẩm mỹ" do ám ảnh cái đẹp hoặc gặp phải một sang chấn trong quá khứ. Nhiều trường hợp khác thích làm đẹp vì đam mê và có điều kiện kinh tế.

    Hiện chưa có thống kê về số người nhiều lần thực hiện thẩm mỹ ở Việt Nam, song thế giới đã ghi nhận nhiều người "nghiện thẩm mỹ". Chẳng hạn, ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson thực hiện khoảng 100 cuộc phẫu thuật như tẩy da, bơm môi, độn gò má, bơm botox trong 30 năm. Năm 2002, ông phải dán miếng băng gạc trên mũi khi hát để ngăn chất nhầy không chảy xuống miệng. Hay Herbert Chavez, người Philippines, tiêu tốn hàng nghìn bảng Anh để biến mình thành siêu nhân. Trong 18 năm với 23 lần thẩm mỹ, anh sửa mũi, bơm môi, làm trắng răng, độn cằm và sửa hàm, đeo kính áp tròng xanh để che màu mắt nâu tự nhiên.

    Nói về xu hướng nghiện thẩm mỹ, bác sĩ Hoàng Mạnh Ninh, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu điện, cho biết ngoại hình con người luôn tồn tại khiếm khuyết vì nhiều lý do như tai nạn, bẩm sinh, lão hóa nên muốn can thiệp để ưa nhìn hơn. Ngoài ra, tiêu chuẩn cái đẹp thay đổi theo thời gian. Trước đây, người Việt quan niệm cái đẹp là "công, dung, ngôn, hạnh" hay "cái nết đánh chết cái đẹp". Phụ nữ lớn tuổi thích gương mặt phúc hậu, thân hình đầy đặn, da trắng, tóc dài, còn các bạn nữ trẻ thì thích dáng cao, gầy, mặt thon gọn. Do đó, làm đẹp là nhu cầu tự nhiên và chính đáng.

    "Tuy nhiên, trường hợp nghiện thẩm mỹ có thể do mắc bệnh tâm lý hoặc mặc cảm ngoại hình nên luôn cố tìm ra khiếm khuyết để can thiệp", bác sĩ nói. Kể cả khi trên người đã có rất nhiều bộ phận được phẫu thuật chỉnh sửa, nhưng họ vẫn chưa cảm thấy hài lòng. Chưa kể, không phải ai phẫu thuật xong cũng có được ngoại hình như mong muốn. Nhóm này thường gặp ở người có điều kiện tài chính, trung tuổi, nữ nhiều hơn nam.

    Như người phụ nữ 58 tuổi, từng nâng ngực, mũi, thon gọn hàm, tiêm filler nhưng vẫn muốn tiếp tục "dao kéo". Chị đến Bệnh viện Bưu Điện gặp bác sĩ bày tỏ sự không hài lòng về cơ thể và đề nghị "đập đi xây lại". Tuy nhiên, bác sĩ từ chối xử lý, do bệnh nhân lớn tuổi và phẫu thuật không đem lại hiệu quả.

    "Bất kỳ can thiệp dao kéo nào đều có một tỷ lệ biến chứng như nhiễm trùng, hoại tử, xuất huyết, tụ máu, chảy dịch", bác sĩ nói, cho biết thêm thẩm mỹ quá nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe chung do tác dụng phụ của thuốc.


    [​IMG]

    Bác sĩ Ninh đang xử lý ca tai biến sau thẩm mỹ tại Bệnh viện Bưu điện. Ảnh: Bác sĩ cung cấp


    Cùng quan điểm, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, cho rằng khi bước chân vào con đường làm đẹp buộc phải theo lâu dài để "bảo trì". Ví dụ, sau 10 năm sửa dáng mũi cần nâng lại để mũi cao, thon gọn hơn. Hay gọt cằm, tiêm filler cũng cần theo dõi để không bị chảy xệ, vón cục. Ngoài ra, cơ thể con người luôn tồn tại khiếm khuyết, muốn cải thiện là điều tất yếu.

    "Lạm dụng dao kéo liên tục trong thời gian ngắn gây hại đến mọi mặt, từ sức khỏe đến tinh thần và tiền bạc", bà Tâm nói.


    Đặc điểm chung của nhóm nghiện thẩm mỹ này là luôn không hài lòng về vẻ ngoài và muốn chỉnh sửa mọi thứ trên cơ thể, bác sĩ Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, nhận định. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tâm lý như bị bắt nạt, trêu trọc hoặc quá tự ti trong quá khứ. Khi bị ám ảnh quá mức, họ có thể rơi vào tình trạng trầm cảm thứ phát, sinh chán nản, phiền muộn dẫn đến mệt mỏi, stress. Họ rất nghiêm khắc với bản thân, dễ bị căng thẳng khi nghe lời người khác đánh giá và hay so sánh với mọi người, đặc biệt thường lo âu quá mức về khiếm khuyết trên cơ thể dẫn đến bi quan. Nhóm này thường không nghĩ hoặc không biết mình bị bệnh, "chỉ muốn làm đẹp để giải tỏa và thỏa mãn bản thân".

    Với các trường hợp này, điều trị tâm lý là biện pháp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, người bệnh hoặc người thân của họ cần nhận biết sớm các dấu hiệu để có thể nhờ tới chuyên gia can thiệp kịp thời.

    Ngoài ra, bác sĩ khuyến cáo mọi người cần lựa chọn cơ sở uy tín và phải tìm hiểu kỹ về phương pháp, chất liệu làm đẹp cũng như nguy cơ gặp phải. Ví dụ, phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được làm các tiểu phẫu nhỏ. Các đại phẫu như nâng ngực, hút mỡ, nâng mông bắt buộc phải thực hiện tại bệnh viện. Không ham phẫu thuật thẩm mỹ giá rẻ và đặt cược tính mạng vào cơ sở thiếu uy tín hay bác sĩ không đủ tay nghề.

    Thùy An


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Nghiện thẩm mỹ

Share This Page