Cơ quan chức năng "chưa đủ cơ sở để kết luận nguyên nhân" ba vụ ngộ độc botulinum tại TP Thủ Đức do không lấy được mẫu thức ăn để kiểm nghiệm, sau hai tháng rưỡi điều tra. Nội dung này được Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM báo cáo ngày 1/8, sau quá trình điều tra nguyên nhân 6 người ngộ độc botulinum ở thành phố Thủ Đức hồi tháng 5. Cơ quan điều tra xem xét nhiều yếu tố như thức ăn, thời gian ăn, nguồn gốc và tình hình chế biến thực phẩm nghi gây ngộ độc. Điều tra dịch tễ, ngày 13/5, có 4 người bị ngộ độc sau ăn bánh mì chả lụa bán dạo. Trong đó, ba em bé 10-14 tuổi được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2, người còn lại là nữ 71 tuổi biểu hiện buồn nôn, nôn ói, đau bụng, nhức đầu, tiêu chảy nhưng "tự mua thuốc uống và hồi phục". Hai ngày sau, hai anh em khác cũng bị ngộ độc sau ăn chả lụa bán dạo, được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Cùng ngày, một người khác ngộ độc sau khi ăn mắm, điều trị ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Cả 6 bệnh nhân đều được bác sĩ ba bệnh viện xác định ngộ độc botulinum, nghi do các thực phẩm họ đã ăn như trên. Đây là loại độc tố thần kinh cực mạnh, gây đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân liệt các cơ hô hấp, khó thở, tử vong. Ba em bé ở Bệnh viện Nhi đồng 2 được dùng thuốc giải độc ngay - là hai lọ thuốc giải độc botulinum cuối cùng tại Việt Nam vào thời điểm đó. Đến nay, hai bé đã khỏi, một bé còn nằm viện. Hai anh em ở Chợ Rẫy và bệnh nhân ở Gia Định không có thuốc giải, bác sĩ chỉ điều trị triệu chứng, liệt cơ nặng độ 3, 4, tức là gần như hoàn toàn. Hơn 10 ngày sau, Tổ chức Y tế Thế giới đưa 6 lọ thuốc giải từ Thụy Sĩ về hỗ trợ, nhưng họ đã quá thời gian dùng thuốc giải. Bệnh nhân tại Gia Định tử vong trước khi truyền thuốc, hai bệnh nhân ở Chợ Rẫy đến nay hồi phục dần và được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang theo dõi. Cơ quan chức năng lấy các mẫu thực phẩm bệnh nhân đã ăn để kiểm nghiệm tìm nguyên nhân gây ngộ độc. Tuy nhiên mẫu chả lụa họ ăn không còn nên không có mẫu. Cơ sở sản xuất chả lụa không còn lưu mẫu sản xuất ngày 13/5 (xảy ra ngộ độc) mà chỉ có thành phẩm sản xuất ngày 17/5. Cơ quan chức năng lấy mẫu sản xuất ngày 17/5 cùng mẫu bánh mì tại cơ sở. Kết quả kiểm nghiệm tất cả mẫu đã lấy âm tính với botulinum. Từ kết quả điều tra này, đồng thời căn cứ điều tra dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán điều trị bệnh nhân từ bệnh viện, UBND thành phố Thủ Đức kết luận: "Đây là vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum nhưng chưa đủ cơ sở để kết luận nguyên nhân". Thời điểm xảy ra ngộ độc, địa bàn không ghi nhận ô nhiễm đất, nước. Bác sĩ khám cho một trong ba bệnh nhi ngộ độc botulinum. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Trả lời VnExpress, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, cho rằng một ca ngộ độc botulinum diễn ra là không thể dự đoán trước được, vì bào tử của nó luôn xuất hiện trong môi trường. Các chùm ca ngộ độc botulinum không giống ngộ độc thực phẩm hàng loạt mà thuộc về riêng lẻ từng hộ gia đình. Bệnh nhân có những triệu chứng điển hình, xét nghiệm dương tính với botulinum, nhưng để kết luận nguyên nhân chính xác botulinum từ đâu thì rất khó. Thực tế, ngay khi xảy ra ngộ độc, các chuyên gia cho rằng khó xác định nguyên nhân vì mẫu thực phẩm bệnh nhân ăn hiện không còn, không phải mẫu được xét nghiệm. Còn ThS.BS Doãn Uyên Vy, Phó Đơn vị chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy, nói nếu mẫu được xét nghiệm không phải giò lụa bệnh nhân đã ăn thì kết quả xét nghiệm không phản ánh chính xác. Botulinum sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí - loại vi khuẩn ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp, hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kiềm chế vi khuẩn phát triển. Triệu chứng nhiễm độc là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các dấu hiệu này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải. Người đứng đầu cơ quan quản lý an toàn thực phẩm TP HCM khuyến cáo người dân ăn chín, uống sôi để phòng ngộ độc. Đặc biệt, các cơ sở y tế phải dự trữ thuốc giải độc, kịp thời điều trị bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc. Mỹ Ý - Lê Phương Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress