Bé 5 tháng tuổi bị cô đặc máu do sốc sốt xuất huyết

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Jul 31, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 86)

    TP HCMBé trai 5 tháng tuổi, nặng 11 kg, hết sốt vào ngày thứ 4 sốt xuất huyết thì đột ngột trở nặng, máu bị cô đặc, tiểu cầu giảm mạnh.


    Bé nôn ói dịch lợn cợn nâu, bụng chướng, nổi nhiều chấm xuất huyết trên da, huyết áp không đo được. Bác sĩ bệnh viện tại Bình Thuận xác định bé sốc sốt xuất huyết trên cơ địa thừa cân béo phì, rất khó tiếp cận đường truyền tĩnh mạch, chuyển vào TP HCM.

    Ngày 31/7, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết diễn tiến bệnh của bé rất phức tạp, sốc kéo dài. Bé gặp hàng loạt vấn đề như suy hô hấp, tổn thương gan, rối loạn đông máu nặng, xuất huyết tiêu hóa, bầm vết chích, toan chuyển hóa, hạ đường huyết...

    Bác sĩ phối hợp nhiều biện pháp điều trị, chống sốc, song đến ngày thứ 7 bé vẫn sốt cao, xét nghiệm máu thấy phản ứng viêm tăng cao. Kíp điều trị sử dụng thêm thuốc điều hòa miễn dịch, tiếp tục hồi sức tích cực. Gần hai tuần điều trị, theo dõi sát, tình trạng bé mới cải thiện dần.

    Theo bác sĩ Tiến, bệnh nhi này thừa cân (cân nặng ở tuổi này trẻ khoảng 6-7 kg), nhiều biến chứng nặng, mới 5 tháng tuổi, nên gây nhiều khó khăn cho các bác sĩ trong quá trình điều trị. Điều dưỡng cũng khó tiếp cận tĩnh mạch để thiết lập đường truyền và lấy mẫu máu xét nghiệm.


    [​IMG]

    Trẻ 5 tháng tuổi, nặng 11 kg, cơ địa dư cân béo phì, khó tiếp cận đường tĩnh mạch, bác sĩ phải bộc lộ tĩnh mạch, luồn catheter vào để làm đường truyền dịch cho trẻ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp


    Thông thường, trẻ dư cân béo phì dễ sốc sốt xuất huyết hơn so với trẻ có cân nặng bình thường, tiên lượng nặng nên phải nhập viện điều trị sớm. Nhóm trẻ này dễ bị rối loạn chuyển hóa dẫn đến nhiều biến chứng như suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan thận... Các kỹ thuật cấp cứu, hồi sức khác cũng khó thực hiện hơn.

    "Giai đoạn hết sốt, nhiều nhất là ngày 4-5, là thời điểm nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết", bác sĩ cho biết. Khoảng 10-20% bệnh nhân hết sốt nhưng mệt mỏi hơn, tay chân nổi ban, đau bụng bên phải, buồn nôn, nặng hơn là chảy máu răng, máu cam, nôn ra máu, đi cầu ra máu, tay chân lạnh... Đây là triệu chứng của sốc sốt xuất huyết - giai đoạn nguy hiểm. Nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, người bệnh có nguy cơ tử vong.

    Bác sĩ khuyến cáo mưa nhiều tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sôi nảy nở, làm lan truyền bệnh sốt xuất huyết. Các gia đình diệt muỗi, loăng quăng, ngủ trong mùng cả vào ban ngày. Cần đến bệnh viện ngay khi trẻ sốt cao trên hai ngày, có một trong các dấu hiệu gồm: quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì; đau bụng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống.

    Từ đầu năm đến nay, TP HCM ghi nhận gần 9.800 ca sốt xuất huyết. Tuần qua, số ca mắc tăng hơn 12% so với trung bình tháng trước. Các bệnh viện đang điều trị 158 trường hợp, trong đó 13 ca nặng, 8 ca đang thở máy xâm lấn, hai ca lọc máu. Ngành y tế dự báo thành phố đang vào mùa cao điểm bệnh này, kéo dài đến hết tháng 10.

    Lê Phương


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Bé 5 tháng tuổi bị cô đặc máu do sốc sốt xuất huyết

Share This Page