7 tháng 'tiến nhanh, hạ gục Musk' của Zuckerberg

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Jul 31, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 102)

    Threads, mạng xã hội đối đầu Elon Musk của Mark Zuckerberg, được ví như kỳ quan tại Meta khi hình thành chỉ trong 7 tháng bởi nhóm 60 người.


    Khi đang đi nghỉ cùng gia đình ở Italy vào tháng 11/2022, Adam Mosseri, người đứng đầu Instagram, nhận lệnh họp từ xa với ban lãnh đạo Meta để làm gì đó cạnh tranh trực tiếp với Elon Musk, người vừa tiếp quản Twitter được vài tuần.

    CEO Mark Zuckerberg muốn tận dụng sự xáo trộn của đối thủ để lôi kéo người dùng từ Twitter sang hệ sinh thái mạng xã hội Meta. Nhóm điều hành đề xuất bổ sung những tính năng giống Twitter vào ứng dụng sẵn có của Meta. Zuckerberg lại có ý tưởng khác.

    "Nếu chúng ta chơi lớn hơn thì sao?", ông nói.

    Cuộc họp kết thúc lúc rạng sáng. Mosseri được giao nhiệm vụ phát triển một ứng dụng độc lập. "Ôi trời, cần tìm ra phương án hành động, vì Zuckerberg rất hào hứng với ý tưởng này. Có thể nhận thấy ông ấy rất tâm huyết cho kế hoạch mới", Mosseri nhớ lại khi đó.

    Meta công bố Threads ngày 5/7, hơn 7 tháng sau cuộc họp, và ứng dụng bùng nổ đến nỗi những người trong cuộc cũng bất ngờ. Hiện chưa có gì bảo đảm thành công dài hạn cho nền tảng khi các số liệu thống kê cho thấy lượng người dùng đang giảm so với mức đỉnh ban đầu.

    Tuy nhiên, mạng xã hội mới đã tung ra "cú đấm thép" vào sự rối ren của Twitter khi đạt kỷ lục 100 triệu người dùng chỉ trong 5 ngày đầu và trở thành sự kiện ra mắt ứng dụng thành công nhất mọi thời.


    [​IMG]

    Threads của Mark Zuckerberg (phải) tuyên chiến với Twitter/X của Elon Musk. Ảnh: Republic


    Ngay khi mới xuất hiện dưới dạng tin đồn, Threads cũng đã khiến Elon Musk lo ngại, nói nền tảng sẽ làm cho thế giới "bị thao túng dưới ngón tay cái của Mark Zuckerberg mà không có lựa chọn nào khác". Threads cũng chính là nguồn cơn khiến ông chủ Twitter thách đấu võ lồng với ông chủ Meta, dù hiện chưa thể xác định trận đấu có thực sự diễn ra hay không.

    Khởi đầu hứa hẹn của Threads đã hồi sinh công ty vốn đang trải qua hàng loạt bê bối và các đợt sa thải lớn, đồng thời phải cạnh tranh với TikTok để giành sự chú ý của giới trẻ. Quá trình xây dựng Threads được giới lãnh đạo Meta mô tả là con đường tiến lên cho công ty, giữa lúc tham vọng xây dựng metaverse gặp trở ngại và nhân viên mất niềm tin.

    Tiến nhanh, phá vỡ mọi thứ

    Zuckerberg yêu cầu Mosseri mạo hiểm. Dự án 92, tên mã của Threads, ra đời. Sáu tháng sau, dự án hoàn thành, gợi nhớ đến phong cách "tiến nhanh và phá vỡ mọi thứ" trước đây của Facebook.

    Mosseri tập hợp nhóm tinh gọn với chưa đầy 60 người nhằm xây dựng ứng dụng cơ bản với thời gian biểu ngắn nhất, tương tự cách hoạt động của startup thay vì một hãng công nghệ khổng lồ. Một số nhân viên Meta cho biết việc ứng dụng hoàn thiện bởi vài chục người trong thời gian ngắn đã trở thành kỳ quan tại công ty. Nhiều người coi đó là hồi chuông cảnh tỉnh, cho thấy ứng dụng được thiết kế hoàn chỉnh không cần đến bộ máy cồng kềnh ở một công ty có 66.000 nhân sự.

    "Hành động nhanh gọn, không cần màu mè, kỹ thuật chắc chắn, có thể được thực hiện bởi phần lớn nhân lực, nhưng đáng tiếc trước đó tất cả đều bị trói tay bởi các quy trình", một nhân viên Meta giấu tên nhận xét.

    Meta từ lâu coi Twitter là đối thủ. Zuckerberg từng tìm cách mua nền tảng này với giá 500 triệu USD năm 2008. Dù vậy, với 237,8 triệu người dùng hàng ngày và doanh thu 5 tỷ USD mỗi năm, Twitter chỉ tương đương một phần nhỏ trong đế chế Meta và chưa bao giờ trở thành mối đe dọa thực sự.

    Khi Elon Musk tiếp quản Twitter và đưa ra những quyết định gây tranh cãi, ban lãnh đạo Meta mới quyết định giành cơ hội. Zuckerberg muốn Threads bắt đầu có thể vận hành từ tháng 1, hai tháng sau khi phê duyệt kế hoạch. Mosseri kìm hãm kỳ vọng của CEO Meta, khẳng định ông cần tập hợp nhóm phát triển phù hợp. Ông rút một số nhân lực từ nhóm phát triển Messenger, Instagram và Facebook.

    Alex Spiro, luật sư của Twitter, hồi đầu tháng 7 cáo buộc Meta lôi kéo nhân viên cũ của công ty để "tăng tốc phát triển ứng dụng sao chép". Tuy nhiên, phát ngôn viên Meta Andy Stone khẳng định không ai trong nhóm Threads từng làm việc tại Twitter.

    "Làm điều dễ trước"

    Nhóm phát triển Threads gồm hai quản lý, một hoặc hai nhà thiết kế và hàng chục kỹ sư phần mềm. "Điều đó khác biệt hẳn với phần lớn nhóm sản phẩm của Instagram. Thay vì 30 phút trình bày về quyết định thiết kế đơn lẻ, điều thường thấy ở Facebook và Instagram, chúng tôi vạch ra luôn sáu nhiệm vụ cần hoàn thành trong một tuần", Mosseri nhớ lại.


    [​IMG]

    Adam Mosseri điều trần tại quốc hội Mỹ cuối năm 2021. Ảnh: Reuters


    Để bảo đảm tốc độ, nhóm loại bỏ những tính năng phức tạp, trong đó có gửi tin nhắn riêng và tìm kiếm nội dung. Họ cũng bỏ qua kế hoạch triển khai sản phẩm ở Liên minh châu Âu (EU), do các nhà quản lý tại đây chuẩn bị áp đặt quy định yêu cầu doanh nghiệp công nghệ cung cấp thông tin về thuật toán phần mềm.

    "Chúng tôi làm những thứ dễ và đơn giản trước. Điều đó giúp cắt giảm quy mô sản phẩm, hạn chế việc phải liên tục bổ sung những tính năng thú vị", Mosseri cho hay.

    Meta hy vọng Threads có thể tránh khỏi những lùm xùm chính trị từng khiến Twitter và các mạng xã hội khác hứng chỉ trích. Mosseri cũng gây tranh cãi khi nói Threads sẽ không chủ động khuyến khích nội dung chính trị và tin tức, vì mức độ tương tác tăng thêm không bù đắp được sự soi xét từ giới quản lý.

    Dù vậy, nếu Threads tiếp tục phát triển, họ có thể khó tránh được những quyết định mang tính chính trị từng gây khó cho Facebook, Instagram và WhatsApp. "Meta không thể loại bỏ những tranh cãi chính trị nếu muốn phục vụ những người từ bỏ Twitter", Yael Eisenstat, cựu lãnh đạo chính sách của Facebook, nhận xét. Bà cũng chỉ trích việc tăng tốc ra mắt sản phẩm, thay vì xem xét cẩn trọng những phương thức Threads có thể bị lạm dụng để phát tán ngôn ngữ thù ghét và tin giả.

    Khi được hỏi về chìa khóa dẫn tới thành công dài hạn của Threads, Mosseri không đưa ra tầm nhìn rộng như khi làm việc ở Meta. Ông chỉ ra bốn ưu tiên ngắn hạn, gồm giúp người dùng xây dựng danh sách người theo dõi, cải thiện thuật toán hiển thị nội dung, cung cấp phương án cho phép chỉ xem những nội dung từ người mà họ theo dõi, cũng như tìm cách cho phép các tài khoản gửi tin nhắn riêng.

    Sự hào hứng với Threads cũng thể hiện qua lời khuyên được người đồng sáng lập Instagram Kevin Systrom gửi đến Mosseri khi ông tiếp quản công ty năm 2018.

    "Tung ra sản phẩm hoàn thiện là cách tốt nhất để cải thiện tâm lý nhân viên, ngay cả trong một công ty đang trải qua làn sóng sa thải và nhiều bước đi sai lầm. Hãy bảo đảm mình tung ra được sản phẩm vận hành trơn tru, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nhiều. Tôi cam đoan như vậy", Mosseri kể về lời nhắn nhủ của Systrom trước khi rời Instagram.

    Điệp Anh (theo Washington Post)


    Adblock test (Why?)
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - 7 tháng 'tiến nhanh, hạ gục Musk' của Zuckerberg

Share This Page