TP HCM ghi nhận số ca mắc tay chân miệng tăng nhanh gần đây, nhiều trẻ thở máy, dẫn đến cạn thuốc điều trị bệnh nặng tại một số viện nhi. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM ghi nhận hơn 2.300 trẻ mắc tay chân miệng trong tuần qua, tăng gấp 1,6 lần so với trung bình tháng trước. Tất cả quận huyện đều có số ca tăng, nhiều nhất là Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú. Số ca mắc mới tăng, kéo theo số bệnh nhi nặng phải nhập viện. Khoảng một tháng nay, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, điều trị khoảng 130-150 trẻ mỗi ngày, trong đó 25% trẻ nặng cần theo dõi sát, phải liên tục tăng giường bệnh. Tại Khoa Hồi sức Tích cực, bệnh nhi tay chân miệng nguy kịch chiếm nửa khoa với 10 bé, trong đó 7 ca phải thở máy. Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Nhi đồng 2 cũng ghi nhận lượng bệnh nhi tương tự. Khoảng 80% bệnh nhân nặng từ các tỉnh thành khác chuyển đến, nhiều trẻ chuyển độ nặng rất nhanh và nguy kịch. Một số thuốc hỗ trợ, điều trị bệnh tay chân miệng đang dần cạn kiệt. Trẻ điều trị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, được cố định tay chân vào giường để tránh kích thích. Ảnh: Lê Phương PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết thuốc Immunoglobulin (IVIG) cho trẻ mắc tay chân miệng nặng nơi này còn đáp ứng khoảng 10 ngày. Đây là một trong những thuốc thiết yếu, giúp tạo miễn dịch, điều trị hiệu quả bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng, giảm tỷ lệ chuyển độ cũng như biến chứng nặng. Thuốc này chưa được sản xuất trong nước mà phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài, nguồn cung khan hiếm toàn cầu hai năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid. Ngoài ra, thuốc Phenobarbital dạng truyền tĩnh mạch đã hết, chỉ còn Phenobarbital dạng uống. Thuốc này có tác dụng an thần, giúp bệnh nhi mắc tay chân miệng nằm im, tránh kích thích, mau hồi phục. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết lượng thuốc IVIG nơi này chỉ còn đáp ứng khoảng 1-2 tuần. Thời gian qua, các bác sĩ phải hội chẩn và cân nhắc kỹ, ưu tiên dùng thuốc cho những trường hợp nặng. Chẳng hạn, nếu trẻ mắc tay chân miệng nặng trước đây cần dùng hai liều theo phác đồ thì chỉ dùng một liều theo dõi và đánh giá tiếp, để dành thuốc cho những ca thật sự nặng hơn. Lượng thuốc nơi này chỉ còn đáp ứng khoảng 1-2 tuần. "Chuyên gia từ các bệnh viện đang cùng Bộ Y tế tìm phương án sử dụng các loại thuốc thay thế phù hợp, để tăng thêm nguồn cung ứng thuốc, tăng cơ hội điều trị các bé", bác sĩ Tiến nói. Thiếu thuốc cũng là lý do chính khiến nhiều tỉnh thành phía Nam chuyển bệnh nhi tay chân miệng nặng đến TP HCM. Bác sĩ Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, cho biết việc thiếu IVIG trong bối cảnh ca bệnh tăng khiến bệnh viện nhi đồng tại đây - nơi tiếp nhận nhiều bệnh nhi nặng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - gặp khó khăn, buộc chuyển tuyến các trẻ nặng. Trong bối cảnh chủng EV71 đang chiếm ưu thế, ngành y tế dự báo số ca mắc và ca nặng tiếp tục tăng. Chủng virus này khiến người nhiễm bị bệnh nặng, nguy cơ tử vong nhiều hơn so với các tác nhân khác, từng gây các vụ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018. Đặc điểm chung của dịch tay chân miệng do chủng này là thường kéo dài 4-5 tháng. Trong khi đó, khó khăn trong điều trị tay chân miệng là bệnh diễn tiến nhanh. Nhiều trẻ mắc tay chân miệng đang tỉnh táo vui chơi thì đột ngột giật mình chới với rồi nhanh chóng diễn tiến suy hô hấp, ngưng thở. Sở Y tế TP HCM đã liên hệ với các đơn vị nhập khẩu, dự kiến đến cuối tháng 8 mới có thêm lượng thuốc IVIG nhập khẩu về Việt Nam, số lượng rất hạn chế. Sở kiến nghị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) phê duyệt khẩn đơn hàng nhập khẩu 15.000 lọ thuốc của một công ty với Bệnh viện Nhi đồng 1 để đáp ứng nhu cầu điều trị, đồng thời ưu tiên phê duyệt sớm các đơn hàng nhập khẩu thuốc IVIG khác (nếu có). Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không lo lắng quá mức nhưng cũng không chủ quan, theo dõi sát các dấu hiệu nặng cần nhập viện ngay để cấp cứu kịp thời, gồm: sốt cao khó hạ, sốt trên 39 độ, sốt hơn hai ngày; giật mình chới với, run chi, đi đứng loạng choạng, yếu chi; nôn ói nhiều; lừ đừ, lơ mơ; thở nhanh, thở bất thường; tay chân lạnh, vã mồ hôi, da nổi bông tím. Lê Phương Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress