Hà NộiĐối diện với bác sĩ Vinh, Viện Bỏng Quốc gia, là thẩm phán Kim Loan, với gương mặt xơ cứng như bêtông, hai mắt bị kéo ngược không thể nhắm. 17 năm trước, khi trở về Việt Nam sau 5 năm tu nghiệp tại Nhật Bản, PGS.TS Vũ Quang Vinh gặp một bệnh nhân đặc biệt. Đó là thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan, người bị đương sự tạt axit khiến gương mặt cháy đen, thương tật vĩnh viễn 61%. Trước khi tìm đến Viện Bỏng Quốc gia, chị Loan đã sang Singapore gặp bác sĩ IVol Lim, chuyên gia thẩm mỹ nổi tiếng nhất châu Á thời điểm đó. Bác sĩ Lim nói "gương mặt của bệnh nhân là một thách thức y học", chi phí thực hiện ca mổ khoảng 70.000 USD. Số tiền quá lớn cùng niềm hy vọng mong manh, khiến nữ thẩm phán về nước, tìm đến bác sĩ Vinh xin mổ. "Tôi từng phẫu thuật vi phẫu nhiều lần, nhưng mổ vi phẫu mặt thì chưa từng. Đây là kỹ thuật rất khó, ngay cả thầy giáo của tôi ở Nhật cũng chưa thử nghiệm, chị nên suy nghĩ thật kỹ", bác sĩ Vinh nói. Sau một tuần, chị Loan đồng ý phẫu thuật. ''Nếu thành công, tôi có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, còn nếu thất bại, coi như tôi cống hiến cho y học", người phụ nữ kể lại. Cuộc hội thoại ngắn ngủi giữa bác sĩ và bệnh nhân đưa đến ca mổ thử nghiệm vi phẫu tái tạo di chứng bỏng axit bằng vạt da siêu mỏng (lấy ở vùng lưng). Đây là ca phẫu thuật đầu tiên trên giới áp dụng kỹ thuật này trên mặt, bắt đầu từ 7h30, kết thúc lúc 21h kém 15, vào ngày 25/7/2005. "Các chuyên gia thẩm mỹ thế giới từng kết luận không có vạt da nào đủ rộng để ghép toàn bộ khuôn mặt, nhưng qua nghiên cứu trên giải phẫu và lâm sàng tại Nhật Bản, chúng tôi thấy vạt da lưng là nơi có thể đáp ứng đòi hỏi khắt khe cho tái tạo mặt", PGS Vinh nói. Ba tháng sau, chị Loan được làm thêm các phẫu thuật chỉnh sửa để hoàn thiện các đường nét. Trong lúc đó, vùng vạt da ghép ở nửa mặt phải đã cho thấy sự cân xứng với nửa mặt lành đối diện. Năm 2007, chị Loan sang Thái Lan để xin tư vấn các chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ với mong muốn được hoàn thiện khuôn mặt hơn. Các bác sĩ Thái Lan hỏi chị tái tạo gương mặt ở đâu, người phụ nữ trả lời do bác sĩ Vũ Quang Vinh của Việt Nam thực hiện. Họ thốt lên "chị gặp được bác sĩ siêu nhân". "Biệt danh bác sĩ siêu nhân của tôi ra đời từ đó", ông Vinh kể. Bệnh nhân Loan trước và sau khi được tái tạo mặt. Ảnh: Bác sĩ cung cấp PGS Vinh, hiện 54 tuổi, là Phó giám đốc Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, Chủ nhiệm Bộ môn phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ (Học viện Quân Y). Từ nhỏ, ông ước mơ học ngành an ninh, nhưng số phận đưa đẩy ông đến với ngành y. Tốt nghiệp Học viện Quân Y vào năm 1992, bác sĩ Vinh về công tác tại Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác. Một lần, GS Lê Thế Trung, nguyên Giám đốc Học viện quân y, kiêm Giám đốc Viện Bỏng, xuống thăm khoa, đưa cho ông xem bài báo viết về thành công trong tái tạo cằm, cổ bằng vạt da siêu mỏng của GS Hiko Hyakusoku, Nhật Bản. Ông Trung hỏi "sao chúng ta chưa làm được kỹ thuật này?". Bác sĩ Vinh cầm tờ báo đọc, thấy cuốn hút vì sự khác lạ so với các kiến thức đã học. "Tôi đọc rất kỹ, nghiền ngẫm nhiều ngày và xin phép thầy chủ nhiệm khoa thực hiện kỹ thuật này vì nó rất hữu ích cho bệnh nhân di chứng bỏng. Triển khai trên ba ca thì hai trường hợp thành công, một thất bại. Nhưng tôi cũng không biết vì sao thành công, vì sao lại hỏng", PGS Vinh nói. Để tìm câu trả lời, ông viết thư cho GS Hiko với tâm thế "chưa chắc thầy đã đọc". Một tháng sau, ông nhận được thư hồi âm, GS Hiko nói sẽ sang Việt Nam mổ thị phạm vào đầu năm 2000. Đó cũng là lần đầu tiên bác sĩ Vinh hiểu vi phẫu, một kỹ thuật quá khó và mới lạ với các bác sĩ Việt Nam thời điểm đó. Một vạt da được lấy rất rộng với nhiều nguồn nuôi và được làm dày mỏng (theo ý muốn), để che phủ được vùng tổn khuyết rất rộng. Việt Nam là nước đầu tiên được Nhật Bản chuyển giao kỹ thuật này. Năm 2001, bác sĩ Vinh thi đỗ và nhận được học bổng của Chính phủ Nhật. May mắn, ông được GS Hiko Hyakusoku nhận về Khoa Phẫu thuật Tạo hình, Đại học Y khoa Nippon, ngôi trường danh tiếng của Nhật Bản. "Sang Nhật, tôi như một tờ giấy trắng, gần như hai năm đầu là xuống phòng mổ vào buổi sáng, ngồi thư viện đến đêm để đọc sách, tự trang bị kiến thức", ông kể. PGS Vũ Quang Vinh,Phó giám đốc Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác. Ảnh: Lê Nga Ngoài học lý thuyết, ông tự thực hành trên chuột và xác người để tìm các mạch máu, học giải phẫu. Khi theo thầy lên phòng mổ, ông ngồi bệt dưới sàn xem các chuyên gia thực hành vi phẫu. Những ca phẫu thuật gặp biến chứng thường cuốn hút bác sĩ Vinh vì qua đó ông học được cách người Nhật xử lý vấn đề, có thể mang về nước áp dụng. "Về Việt Nam, tôi vi phẫu tạo hình được 5 ca, gửi ảnh sang cho GS Hiko. Thầy rất bất ngờ, không nghĩ tôi có thể độc lập vi phẫu được vì mới chỉ phụ thầy cắt chỉ đúng hai lần", PGS Vinh kể, thêm rằng GS Hiko coi ông là người học trò xuất sắc, đưa kỹ thuật ghép da bằng vạt siêu mỏng lên tầm cao mới. Cụ thể, trong thực hành, bác sĩ Vinh luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo, không áp dụng 100% mà "biến kỹ thuật của họ thành cái mới của mình". Như trường hợp tái tạo khuôn mặt cho bệnh nhân tên Vy, ở Đà Nẵng, bị hôn phu tạt axit, vào năm 2019. Khi gặp bệnh nhân, bác sĩ Vinh lóe lên ý nghĩ cần mổ ngay cho cô gái vì điều này sẽ mang lại lợi ích tối đa. Ông Vinh lấy vạt da ở lưng người bệnh, có hai cuống mạch nuôi, phẫu tích cho mỏng rồi ghép. Phương pháp này gọi là ghép vạt hai cuống siêu mỏng, giúp rút ngắn thời gian điều trị, giảm số lượng mổ, ít biến dạng sau phẫu thuật. Cuộc mổ kéo dài 5 tiếng, vi phẫu nối mạch máu dưới 1 mm thành công, vạt da bám sống tốt trên gương mặt. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được áp dụng tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Trước đây, bệnh nhân bị bỏng axit thường được phẫu thuật cắt bỏng hoại tử, chờ sẹo ổn định mới ghép da xẻ đôi (bằng vạt da đùi) để làm liền vết bỏng. Sau ghép, da bệnh nhân có sẹo co kéo, gây biến dạng mặt, kéo lệch mắt, miệng, mũi..., khó khăn trong ăn uống, đánh răng, nói chuyện. Bệnh nhân cũng phải mổ nhiều lần, thời gian nằm viện dài ngày. PGS Vinh cùng người thầy của mình là Giáo sư Hiko Hyakusoku. Ảnh: Bác sĩ cung cấp Hậu quả của các ca bỏng axit thường kinh hoàng do chất này có tính ăn mòn. Axit ăn sâu xuống da, phá hủy gân, mỡ, làm vón cục protein tại đó. Tái tạo da ngay sau bỏng axit là một quyết định táo bạo, bởi nếu xảy ra nhiễm trùng, ca mổ sẽ thất bại. Để tránh nhiễm trùng, bác sĩ phải lấy hết tổ chức hoại tử, đánh giá tổn thương vùng nông, vùng sâu. Sau đó, bác sĩ vẽ bản đồ mạch máu ở lưng để lấy vùng da phù hợp với vùng cần ghép ở mặt, có mạch máu nuôi dưỡng. Trường hợp của Vy, nhờ kiểm soát tốt, nên sau hơn một tuần, da ghép đã bám sống tốt. "Với vạt hai cuống siêu mỏng đã được nghiên cứu và hoàn thiện quy trình, giờ đây chúng tôi 'nhạc nào cũng nhảy được', không còn phải lo vấn đề bất thường giải phẫu, kích thước mạch to mạch nhỏ. Mình làm chủ được theo hướng có thể đối mặt xử lý với tất cả tình huống", ông Vinh nói, thêm rằng hiện kỹ thuật này đã được triển khai thường quy tại bệnh viện, cho khoảng 800 trường hợp. Bên cạnh đó, một kỹ thuật khác là vạt da cân thượng đòn nối mạch đầu xa - sản phẩm "made in Việt Nam" - được ê kíp bác sĩ Vinh cải tiến, cũng được chuyên gia quốc tế đánh giá là chất liệu tốt nhất để tái tạo một đơn vị cằm cổ. Thậm chí sau mổ, mọi người không thể nhận biết bệnh nhân có sẹo di chứng bỏng rất nặng trước đó. Bác sĩ Vinh cho biết, một ca tái tạo da mặt ở Mỹ có giá từ 50.000 đến 100.000 USD, trong khi ở Việt Nam khoảng 2.000 USD. Kỹ thuật này sẽ mở ra hy vọng mới cho những bệnh nhân bị bỏng axit. Ứng dụng kỹ thuật vi phẫu điều trị di chứng bỏng của Bệnh viện Bỏng Quốc gia được Bộ Y tế đánh giá là một trong 10 thành tựu của y học cách mạng Việt Nam thời kỳ đổi mới. Hôm 2/6, ông Vinh là một trong 12 cá nhân được vinh danh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam 2023. Lê Nga Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress