Đặt câu hỏi cho chatbot, viết mail với gợi ý từ hệ thống, nhấp vào bài hát được website đề xuất, là cách hàng tỷ người trên thế giới sử dụng AI mỗi ngày. Chatbot Chatbot là một chương trình máy tính mô phỏng các cuộc trò chuyện giống như con người bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) và học máy (ML), thông qua các kênh giao tiếp: website, nền tảng nhắn tin, ứng dụng di động, điện thoại. Chatbot đầu tiên (Eliza) có từ năm 1966 - lâu đời hơn cả Internet (ra mắt năm 1969). Đến năm 2016, Facebook mới cho phép các nhà phát triển đặt tính năng này trên Messenger. Từ thời điểm này, các thương hiệu bắt đầu phát triển công nghệ còn người dùng háo hức thử nghiệm để xem khả năng của chúng. Đến nay, đã có hơn 300.000 chatbot trên Messenger, số liệu từ Tidio. Trang Simplr thống kê, hiện có hơn 1,4 tỷ người đang sử dụng chatbot và 5 quốc gia có lượng sử dụng hàng đầu là Mỹ, Ấn Độ, Đức, Vương quốc Anh và Brazil. Đến năm 2027, đây sẽ trở thành kênh dịch vụ khách hàng chính cho khoảng 1/4 tổ chức trên toàn thế giới. Insider Intelligence dự đoán chi tiêu bán lẻ của người tiêu dùng toàn cầu thông qua chatbot sẽ đạt 142 tỷ USD vào 2024, tăng từ 2,8 tỷ USD năm 2019. Trên thế giới có hiện có rất nhiều loại chatbot khác nhau, từ đơn giản như ứng dụng chăm sóc khách hàng đến cao cấp với khả năng trò chuyện, đối đáp như con người. Một trong những ví dụ nổi bật nhất của chatbot là ChatGPT. ChatGPT được đưa lên nền tảng Android từ 25/7 cho người dùng Mỹ, Ấn Độ, Bangladesh và Brazil qua cửa hàng Google Play. Ảnh: PB ChatGPT được cung cấp bởi mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI (GPT 3). Công ty cũng đã phát hành một mẫu mới hơn có tên GPT-4 vào ngày 14/3 với lời giới thiệu: có thể lập tức đỗ đại học mà không cần luyện thi hay vượt qua 90% kỳ thi sát hạch luật sư. CEO OpenAI Sam Altman cho biết đây là công nghệ AI tiên tiến chưa từng có, được đào tạo bằng cách sử dụng phản hồi của con người kết hợp công nghệ học sâu (deep learning). GPT-4 có khả năng xử lý đa phương thức đầu vào, gồm hình ảnh, giúp người dùng tương tác với nhiều chế độ. Việc chấp nhận hình ảnh đầu vào và xuất ra văn bản là tính năng mới chưa có trước đây, được đánh giá giúp người dùng có thêm tùy chọn để sáng tạo. Chatbot Pika của FPT Shop tư vấn người mua. Ảnh: FPT Shop Không chỉ với ChatGPT, trên thế giới có nhiều dạng chatbot AI có thể viết các bài đăng trên blog, tạo và gỡ lỗi mã phức tạp, dệt nên những câu chuyện sống động, đưa ra công thức nấu ăn, làm thơ, viết nhạc và trả lời hầu hết câu hỏi mà người dùng đặt ra. Ngoài hỗ trợ cá nhân, ứng dụng này có thể giảm thời gian chăm sóc khách hàng lên tới 77%, thậm chí tiết kiệm 11 tỷ USD cho năm nay, khi áp dụng ở ngành chăm sóc sức khỏe, ngân hàng và bán lẻ. Email, tin nhắn Theo Techjury, Gmail vẫn là nền tảng email phổ biến nhất với hơn 1,8 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Hòm thư này ra mắt vào ngày 1/4/2004. Trước đó một ngày, thông tin về dịch vụ email miễn phí của Google rò rỉ, nhưng nhiều người đinh ninh đó chỉ là một trò đùa. Điều lớn nhất khiến mọi người hoài nghi hãng cung cấp dung lượng miễn phí đến 1 GB - lớn gấp 500 lần so với những gì Microsoft Hotmail thời đó cung cấp. AI hiện tích hợp trên Gmail qua tính năng soạn thư thông minh. Nó gợi ý các câu hoàn chỉnh dựa trên dòng trước mà người dùng đã viết. Trí tuệ nhân tạo được huấn luyện để nhanh chóng soạn thảo email với độ chính xác theo ngữ cảnh, đúng ngữ pháp. Song song quá trình viết mail, hệ thống sẽ đưa ra lời đề xuất, người dùng chỉ cần nhấn phím tab để đưa câu gợi ý này vào văn bản. Các ứng dụng mail tích hợp AI để hỗ trợ soạn thảo nhanh. Ảnh: Freepik Chức năng dự đoán có thể hãy bật - tắt ở phần cài đặt, chế độ Soạn thư thông minh. Hiện ứng dụng hỗ trợ dự đoán bằng tiếng Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Italy và Bồ Đào Nha. Ngoài Gmail, Outlook cũng cung cấp tính năng dự đoán văn bản và đề xuất thư hồi đáp với tiếng Anh. Trả lời nhanh cũng là một trong những tính năng hỗ trợ bởi AI, không chỉ có trên email mà còn xuất hiện trên nhiều ứng dụng chat, tin nhắn điện thoại. Các đề xuất này sẽ hiển thị ngay khi người dùng nhấp vào tin nhắn đến, tiết kiệm thời gian thao tác, đặc biệt hữu ích khi bận rộn mà phải trả lời nhanh. Ví dụ về cách email gợi ý văn bản (chữ mờ), khi nhấn phím tab, câu gợi ý sẽ xuất hiện trong phần mail đang soạn. Ảnh chụp màn hình Không chỉ tạo khác biệt trong cách tương tác trực tuyến, AI còn tích hợp trên Google Docs để kiểm tra ngữ pháp. Trên nền tảng này có vô số người truy cập mỗi ngày để viết truyện, báo cáo... Google tận dụng sự tiến bộ trong AI để giúp người dùng tránh mắc lỗi khi viết câu về chính tả lẫn ngữ pháp. Tính năng này hỗ trợ với cả tiếng Việt và được bật mặc định. Mạng xã hội, ứng dụng giải trí Truyền thông xã hội cũng là một lĩnh vực có sự đóng góp lớn của AI. Những bài viết hiển thị trên dòng thời gian mà người dùng nhìn thấy, các quảng cáo liên quan đều do AI quản lý, thu thập từ hành vi trong quá khứ, lịch sử tìm kiếm, tương tác... Từ dữ liệu mẫu, hệ thống có thể dự đoán sở thích và điều chỉnh nội dung hiển thị để cá nhân hóa đến từng người dùng. Đó là lý do chúng ta cảm thấy mạng xã hội "gây nghiện". Sự thông minh của AI còn cung cấp nhiều công cụ để hỗ trợ viết bài tự động, chỉnh sửa hình ảnh và video, tối ưu lịch đăng bài, quản lý các cuộc trò chuyện với khách hàng. Một chiến dịch quảng cáo cũng có thể triển khai nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm hơn nhờ AI. Trí tuệ nhân tạo sẽ nhắm đúng đối tượng mục tiêu của sản phẩm, quản lý và phân bổ ngân sách truyền thông, theo dõi hiệu suất trong suốt quá trình. Còn trên các ứng dụng thương mại điện tử, mỗi lần người dùng tìm kiếm, thêm một sản phẩm vào giỏ hàng, AI sẽ lập tức ghi nhớ hành vi này để gợi ý các mặt hàng tương tự. Gợi ý này còn theo chân người dùng đến những nền tảng khác, thúc đẩy hành vi mua sắm. Trải nghiệm tương tự trên các ứng dụng giải trí. Ngay khi cài đặt Netflix, hệ thống sẽ hiển thị bảng chủ đề mà bạn yêu thích. Khi bấm chọn, AI sẽ hoạt động để hiểu sở thích, thói quen của người xem. Mỗi lần truy cập, ứng dụng sẽ xếp những tựa phim, chương trình đúng với sở thích này lên trên, cho trải nghiệm sử dụng thông minh hơn. Lịch sử tìm kiếm, các phim đã xem... cũng trở thành dữ liệu để AI thông minh hơn, cá nhân hóa theo từng khán giả. Ứng dụng giải trí dùng AI để tạo trải nghiệm cá nhân hóa. Ảnh: Freepik Spotify hay YouTube cũng hoạt động theo cơ chế này để dưa ra danh sách gợi ý theo tuần, theo ngày. Cụ thể, AI phân tích các nhánh thông tin của video như thể loại, nghệ sĩ, năm phát hành... để đề xuất dòng nhạc tương tự, các sản phẩm nổi bật của ngôi sao đó. Trí tuệ nhân tạo còn có thể đề xuất thông tin dựa trên khoảng thời gian trong ngày, thiết bị dùng, thời lượng trải nghiệm. Thông tin này tổng hợp thành tính năng nâng cao để tạo một danh sách gần nhất với danh sách mà bạn đã tạo. Nhận dạng khuôn mặt Theo Bankmycell, hiện có khoảng hơn 7 tỷ người dùng điện thoại thông minh trên toàn thế giới. Phần lớn trên thiết bị này đều tích hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt để mở khóa. Công nghệ Face ID thu thập dữ liệu khuôn mặt chính xác bằng cách chiếu và phân tích hàng nghìn điểm vô hình để tạo bản đồ độ sâu, chụp ảnh hồng ngoại khuôn mặt. Khi đánh thức điện thoại, khả năng nhận dạng khuôn mặt để xem ở chế độ 3D được kích hoạt bởi AI và công nghệ đi kèm. Công nghệ Face ID phổ biến với người dùng smartphone. Ảnh: Freepik Tại Việt Nam, công nghệ nhận dạng khuôn mặt được nghiên cứu, phát triển tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn - QAI, thuộc FPT Software với sản phẩm akaCam. Theo đại diện đơn vị, sản phẩm không chỉ dừng lại ở mức độ nhận diện người và vật. Từ hình ảnh, video hoặc luồng stream trực tiếp, các mô hình, thuật toán AI thông minh sẽ phát hiện, theo dõi và phân tích hành vi của đối tượng, nhằm đưa ra các cảnh báo, nhắc nhở kịp thời. Lấy ví dụ tại nhà máy, akaCam đảm nhận vai trò nhận diện, định danh công nhân bằng khuôn mặt, ghi lại bữa ăn và các món ăn được lựa chọn, ghi nhận độ hài lòng sau khi dùng bữa. Toàn bộ các dữ liệu này được cập nhật đến bộ phận nhân sự để sử dụng trong quản lý và phân tích tạo ra thực đơn phù hợp hơn với công nhân. Thiết bị tích hợp giải pháp akaCAM đặt tại cantin một nhà máy ở Quy Nhơn. Ảnh: akaCAM AkaCam cũng có khả năng ứng dụng rộng rãi trong ngân hàng, văn phòng, chuỗi cửa hàng, trường học, giao thông... để giải quyết nhiều vấn đề. Đơn cử là phân tích hành vi bất thường của nhân viên trong dây chuyền sản xuất, nhằm phục vụ cho việc thống kê, phân tích, tạo báo cáo cho các đơn vị quản lý. Ứng dụng còn có thể sử dụng trong trường học để thực hiện vai trò tự động điểm danh học sinh, tạo cơ sở dữ liệu để thông báo đến phụ huynh tình hình con em đến, rời trường theo từng khung thời gian (kèm theo hình ảnh). Dữ liệu này giúp phát hiện và cảnh báo các hành vi bất thường để sớm có biện pháp ngăn chặn (tụ tập đánh nhau, hút thuốc, người lạ mặt vào trường, lớp học để trộm cắp...). Đối với lĩnh vực giao thông, akaCam hỗ trợ theo dõi, ghi lại các phương tiện di chuyển trên đường, nhận diện qua biển số, kiểu dáng xe. Từ đó, dự báo về tốc độ phát triển số lượng xe lưu thông trên từng cung đường, làm cơ sở để ngành giao thông tham khảo, có phương án đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng phù hợp. Ngoài các thông tin kể trên, AI còn vô số ứng dụng trong đời sống ở đa lĩnh vực. Trong bối cảnh này, từ năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, Báo VnExpress tổ chức Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN). Chương trình được tổ chức thường niên nhằm phổ biến việc ứng dụng công nghệ AI trong cuộc sống; tạo cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước về các chính sách hỗ trợ phát triển AI tại Việt Nam. Năm nay, AI4VN 2023 có chủ đề "Sức mạnh cho cuộc sống" sẽ diễn ra trong hai ngày 21-22/9 tại TP HCM. Chương trình gồm bốn hoạt động chính: AI Summit, CTO Summit, AI Workshop, AI Expo, cùng các hoạt động vệ tinh. Trong đó, AI Summit là diễn đàn chính, với sự góp mặt của các diễn giả nổi tiếng cùng những câu chuyện thực tế, kiến nghị giải pháp góp phần kiến tạo phát triển hệ sinh thái AI. AI Workshop là các phiên thảo luận bên lề sự kiện, xoay quanh chủ đề tương lai của AI tạo sinh trong doanh nghiệp; sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm; AI trong lĩnh vực tài chính; ứng dụng AI và dữ liệu lớn vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. AI Expo mang đến cơ hội trải nghiệm các sản phẩm, công nghệ AI đang hiện hữu tại Việt Nam và thế giới ở các lĩnh vực kinh tế, y tế, khoa học đến nông nghiệp, giáo dục. Chương trình CTO Summit cũng lần đầu tổ chức trong khuôn khổ AI4VN với chủ đề "Doanh nghiệp Việt trong cơn sốt AI". Sự kiện năm nay sẽ tìm kiếm và giới thiệu về các doanh nghiệp có môi trường làm việc đậm chất công nghệ, đề cao đổi mới sáng tạo. Để tham gia, doanh nghiệp gửi đề cử cho ban tổ chức từ nay đến hết 20/8. Lễ vinh danh sẽ được tổ chức ngày 22/9 tại TP HCM. Khách trải nghiệm hệ thống FPT.AI eKYC, nhận diện thông tin từ căn cước công dân tự động, nhập liệu nhanh và có thể phát hiện giấy tờ giả nhờ AI tại AI4VN 2022. Ảnh: Tuấn Hưng Sau 5 năm tổ chức, AI4VN đã trở thành sự kiện khoa học công nghệ hàng đầu Việt Nam, thu hút sự quan tâm của đông đảo cơ quan quản lý, tập đoàn công nghệ, đơn vị nghiên cứu, người yêu công nghệ trong nước. Chương trình năm nay dự kiến thu hút 2.000 người. Thảo Nguyên Adblock test (Why?)Nguồn VNExpress