Tại sao cá biển sâu trông như sinh vật ngoài hành tinh?

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Jul 25, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 160)

    Dưới áp suất và nhiệt độ cực hạn, nhiều loài cá biển sâu phát triển những đặc điểm kỳ lạ nhưng hữu dụng giúp chúng săn mồi và thích nghi với môi trường sống.


    [​IMG]

    Hàm răng nhọn hoắt của cá rắn Sloane. Ảnh: DeAgostini


    Nhiều loài cá sống ở tầng nước sâu dưới đại dương có hình dáng giống như sinh vật ngoài hành tinh trong phim kinh dị với hàm răng đồ sộ, cơ thể phát sáng trong bóng tối và nhãn cầu lồi ra. Nhưng tại sao chúng lại có những đặc điểm lạ lẫm như vậy?

    Diện mạo kỳ quặc của cá biển sâu chủ yếu phản ánh môi trường cực hạn mà chúng cư trú. Phần lớn vùng nước sâu dưới đại dương, bắt đầu từ 200 m bên dưới mặt nước, hầu như không có ánh sáng, hệ thống áp suất cao, nguồn thức ăn sẵn có ít ỏi và lạnh hơn nhiều so với các nơi khác trong đại dương, với nhiệt độ trung bình trung bình trên 4 độ C.

    "Biển sâu thực sự là nơi thực sự khắc nghiệt để sinh sống, vì vậy nhiều động vật phải thích nghi ở mức độ nào đó để sống sót trong môi trường đó", Mary McCarthy, nhà sinh vật học cá ở Thủy cung vịnh Monterey tại California, cho biết.

    Không có nhiều cơ hội tìm kiếm thức ăn, cá biển sâu phát triển đặc điểm giúp chúng bắt mồi. Một trong những đặc điểm đáng gờm nhất là bộ hàm. Ví dụ, cá rắn Sloane (Chauliodus sloani) có răng nanh lớn đến mức nó không thể đóng chặt miệng mà không đâm vào hộp sọ. Những chiếc răng sắc nhọn này cũng trong suốt, có nghĩa chúng có thể giấu vũ khí khỏi tầm mắt con mồi cho tới khi quá muộn. Những loài cá biển sâu khác như cá chình bồ nông (Eurypharynx pelecanoides) có chiếc miệng lớn đến mức chiếm phần lớn cơ thể khi kéo căng, giúp bắt và nuốt các loài cá lớn mà chúng tìm thấy trong môi trường.

    Một số động vật săn mồi có vũ khí bí mật biến chúng thành nam châm hút mồi. Đó là phát quang sinh học hay khả năng tự sản sinh ánh sáng. Chẳng hạn như cá quỷ biển đen hay cá cần câu. Chúng nhử con mồi bằng cách sử dụng đèn phát sáng trong bóng tối ở cuối bộ phận phụ nhô ra trước trán, tương tự mồi ở cuối dây câu. Ánh sáng này thú hút con mồi một phần do sinh vật biển có thể cho rằng chúng sắp được ăn động vật phát quang nhỏ.

    Nhưng nhử mồi không phải lợi thế duy nhất của phát quang sinh học, điều có thể gặp ở hơn 75% cá biển sâu, theo kết quả công bố năm 2017 trên tạp chí Nature bởi nhóm chuyên gia ở Viện nghiên cứu thủy cung vịnh Monterey. Vài loài cá biển sâu như cá rìu khổng lồ (Argyropelecus gigas), có thể điều chỉnh phần phụ tối đi hoặc sáng lên cho phù hợp với ánh sáng xung quanh, sử dụng phát quang sinh học như một cơ chế kín đáo để tránh mọi kẻ thù tiềm ẩn.

    "Nhiều loài khác sử dụng khả năng trên để tìm thức ăn, thu hút bạn tình và tự vệ chống lại động vật săn mồi", Edith Widder, nhà sinh vật học hải dương sáng lập Hiệp hội nghiên cứu và bảo vệ đại dương, cho biết. Widder đã tham gia hàng trăm chuyến lặn bằng tàu để nghiên cứu phát quang sinh học dưới biển sâu. Ở phần lớn trường hợp, ánh sáng phát ra là kết quả của phản ứng hóa học trong cơ thể cá, tại đó, hợp chất phát ra ánh sáng gọi là luciferin kết hợp với enzyme luciferase để tạo ra photon.

    Một đặc điểm phổ biến khác dưới biển sâu là vẻ mềm ướt. Phân bố ở vùng biển ngoài khơi Australia và Tasmania, cá giọt nước (Psychrolutes marcidus) sống ở độ sâu 600 - 1.200 m, nơi áp suất lớn hơn 100 lần mặt nước. Để sống sót dưới điều kiện như vậy, cá giọt nước phát triển cơ thể cực mềm nhẽo mà không có bộ xương cứng. Đó là lý do vì sao khi cá giọt nước được đưa lên mặt nước, nó xẹp đi và biến thành sinh vật dạng thạch với phần mặt nhăn xuống, nhờ đó có biệt danh "động vật xấu nhất thế giới".

    An Khang (Theo Live Science)​


    Adblock test (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Tại sao cá biển sâu trông như sinh vật ngoài hành tinh?

Share This Page