Hà NộiChơi điện tử 12 tiếng mỗi ngày, nam sinh viên 22 tuổi, phải dừng học, nhập viện tâm thần điều trị do rối loạn cảm xúc, hành vi, giấc ngủ. Anh bắt đầu chơi điện tử từ năm học lớp 7, thời điểm bố mẹ ly hôn. Dần dần, bệnh nhân chơi cả ngày lẫn đêm, chỉ cần nghỉ học là sẽ ngồi máy tính, ăn mỳ tôm và uống nước tăng lực. Thấy con trai quá ham mê điện tử, người mẹ nhiều lần khuyên bảo và tắt máy tính khiến nam sinh cáu gắt, cãi cự, thậm chí đánh mẹ. Khoảng hai tuần nay, người mẹ thu máy tính, khiến thanh niên bực tức, bồn chồn, ăn ngủ kém, trốn nhà đến quán game chơi thâu đêm, buộc người nhà phải đưa vào viện. Tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng nghiện game online, rối loạn cảm xúc hành vi, giấc ngủ. Bác sĩ Nguyễn Thành Long, người điều trị trực tiếp, cho biết thời gian đầu nhập viện, bệnh nhân không chủ động trong giao tiếp, vận động. Tuy nhiên, sau thời gian điều trị bằng phương pháp hóa trị và tâm lý, hiện nam sinh đã cải thiện, ăn ngủ tốt hơn. Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Phó trưởng phòng Sử dụng chất và y học hành vi, cho hay trò chơi điện tử hiện trở thành một trong những hình thức giải trí phổ biến nhất toàn cầu. Cùng với đó, tỷ lệ nghiện game cũng tăng ở mức 8,5% đối với nam và 3,5% đối với nữ trong năm 2022. Trong đó, tỷ lệ nghiện ở châu Á cao nhất (6,3%), Bắc Mỹ (3,6%), châu Âu (2,7%). Hiện chưa có thống kê chính thức về số người nghiện game online ở Việt Nam. Nhưng một nghiên cứu của Viện Sức khỏe Tâm thần cho thấy nhóm tuổi 10-24 nhập đơn vị này điều trị vì nghiện internet, game chiếm 43%. Bác sĩ Long tư vấn cho một bệnh nhân điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần, chiều 24/7. Ảnh: Lê Nga Nghiện game online khiến thanh thiếu niên không kiểm soát được hành vi chơi game của mình, luôn bị thôi thúc bởi ham muốn được chơi khi tham gia hoạt động khác. Người bệnh cũng khó chịu, cáu gắt hoặc gây hấn bằng lời nói, thể chất khi phải chấm dứt hoặc giảm chơi. Bên cạnh đó, nhóm này gặp bất thường trong hành vi, sinh hoạt, lối sống, khiến sức khỏe thể chất và tinh thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo các chuyên gia, một trong nguyên nhân chính gây nghiện game là các xung đột tâm lý. Đặc biệt, ở tuổi thanh thiếu niên, do sự phát triển tâm sinh lý muốn trở thành người lớn, muốn được tôn trọng, song bố mẹ giáo dục bằng roi vọt hay áp đặt, khiến các em cô đơn, bất mãn, chán nản. Việc chơi game như một cách thể hiện bản thân và cảm xúc, bác sĩ Ngọc nhận định. Tình trạng trẻ thiếu địa điểm vui chơi, sử dụng internet nhiều hơn cũng khiến gia tăng trường hợp nghiện game. Trong khi đó, người tạo game luôn tìm mọi cách để thu hút người chơi, cho thanh thiếu niên nhập vai, chia sẻ cảm xúc cá nhân, tương tác và thể hiện ý tưởng. Tỷ lệ này càng tăng trong và sau đại dịch Covid, do trẻ có cơ hội sử dụng các thiết bị điện tử nhiều hơn. Bệnh nghiện game online có thể điều trị bằng cách kết hợp các liệu pháp hành vi, tâm lý, điện trị liệu, hóa trị liệu... Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay bệnh có nguy cơ tái phát nên cần kết hợp bác sĩ, người trị liệu và gia đình để kiểm soát. Lê Nga 'Cuộc chiến' của những gia đình có con nghiện game Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress