Sứa bất tử là loài duy nhất có thể đảo ngược quá trình lão hóa để kéo dài cuộc sống tới 10 lần trong hai năm. Sứa bất tử sống ở mọi đại dương trên thế giới. Ảnh: Asahi Shimbun Tên gọi của sứa bất tử đến từ việc nó có thể sống vĩnh viễn về mặt sinh học. Sinh vật nhỏ bé trong suốt này trôi dạt dưới biển từ thời kỳ khủng long tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm, theo Science Alert. Một con sứa bất tử (Turritopsis dohrnii) già đi hoặc bị tổn thương, nó có thể lẩn trốn cái chết bằng cách đảo ngược về thời kỳ sinh vật đơn bào. Nó làm vậy thông qua tái hấp thụ các xúc tu và nằm yên dưới dạng một khối cầu tế bào không phân hóa ở đáy biển. Từ đây, cụm tế bào gọi là polyp sau đó có thể mọc chồi và tạo thành hình dạng trưởng thành mới, mỗi chồi nhỏ hơn móng tay con người khi phát triển đầy đủ. Quan trọng hơn là những chồi trưởng thành này có hệ gene giống hệt polyp. Chu kỳ sống đảo ngược cho phép sứa bất tử tồn tại cùng thời gian. Giới khoa học lần đầu tiên mô tả sứa bất tử vào năm 1883, nhưng mãi một thế kỷ sau, các chuyên gia mới tình cờ phát hiện chu kỳ sống vĩnh hằng của nó khi nuôi nhốt. Trong nhiều năm từ sau đó, kết quả nghiên cứu cho thấy quần thể sứa bất tử nuôi trong phòng thí nghiệm có thể trở về giai đoạn polyp và bắt đầu lại đời sống tới 10 lần trong hai năm. Sứa bất tử là loài duy nhất được biết đến có thể trẻ lại sau khi sinh sản hữu tính. Dù có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, hiện nay chúng sống phổ biến ở mọi đại dương trên khắp thế giới. Dù vậy, giới chuyên gia vẫn chưa thực sự hiểu rõ cơ chế giúp chúng sống lâu như vậy. Năm 2022, nghiên cứu di truyền xác định gần 1.000 gene liên quan tới lão hóa và sửa chữa ADN. Nếu các nhà khoa học có thể tìm ra gene nào có mặt hoặc vắng mặt ở sứa bất tử so với những loài họ hàng, họ có khả năng tìm ra cơ cấu tế bào phía sau đời sống trường tồn của loài sứa này. Năm 2019, một nhóm nhà khoa học lần đầu tiên so sánh biểu hiện gene của tế bào từ một polyp sứa bất tử với cá thể có đầy đủ xúc tu và thân trên. Họ tìm thấy khác biệt ở cách một số tế bào hoạt động, chứng tỏ những tế bào chuyên biệt được tái lập trình theo cách nào đó, tương tự việc cài lại đồng hồ. Điều này không có nghĩa sứa bất tử không bao giờ chết. Chúng vẫn có thể chết do vết thương hoặc bị đói. An Khang (Theo Science Alert) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress