700 tháp đón gió cổ đại giúp thành phố làm mát tự nhiên

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Jul 22, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 114)

    IranVới thiết kế đơn giản cổ xưa và các vật liệu bền vững, tháp đón gió có thể giúp giảm nhiệt bên trong nhà 8 - 12 độ C.


    [​IMG]

    Các tháp đón gió vươn lên cao tại thành phố Yazd, Iran hôm 3/7. Ảnh: AFP


    Các tòa tháp cao giống như ống khói mọc lên từ những ngôi nhà gạch nung hàng trăm năm tuổi ở thành phố sa mạc Yazd, Iran, mang đến làn gió dễ chịu cho cư dân của một trong những thành phố nóng nhất Trái Đất, AFP hôm 21/7 đưa tin. Chúng là tháp đón gió, hay badgir trong tiếng Ba Tư, và là một trong những tuyệt tác kỹ thuật được phát triển bởi cư dân ở Yazd - nơi có mức nhiệt lên tới hơn 40 độ C vào mùa hè.

    Tháp đón gió thường có hai hoặc nhiều mặt thoáng. Công trình đón gió thổi trên cao và dẫn xuống ngôi nhà bên dưới. Điều này khiến không khí nóng bị đẩy ra ngoài qua mặt đối diện của tháp đón gió. Trong một số thiết kế, không khí đi vào còn thổi qua mặt nước, giúp làm mát thêm. Nghiên cứu cho thấy thiết kế đơn giản này có thể giảm nhiệt độ bên trong tòa nhà khoảng 8 - 12 độ C.

    Kể cả khi hoàn toàn không có gió, tháp đón gió vẫn hoạt động như một ống khói năng lượng mặt trời: không khí nóng bốc lên tháp, không khí mát hơn bị hút vào tòa nhà từ phía bên kia. Khác với máy điều hòa không khí tốn năng lượng, chúng rẻ và không thải carbon.

    "Suốt nhiều thế kỷ, trước khi chúng ta có điện, chúng đã giúp làm mát nhà ở", Abdolmajid Shakeri, quan chức của Bộ Du lịch và Di sản văn hóa Iran, cho biết. Công trình lâu đời nhất trong số 700 tháp đón gió của thành phố tồn tại từ thế kỷ 14, nhưng loại kiến trúc này được cho là có thể tồn tại từ 2.500 năm trước, khi đế chế Ba Tư cai trị phần lớn Trung Đông.

    Majid Oloumi, người quản lý Vườn Dowlatabad, nơi có tháp đón gió cao 33 m - một trong những tháp cao nhất thế giới, miêu tả phương pháp làm mát này là "hoàn toàn sạch vì không sử dụng điện hay các vật liệu gây ô nhiễm". UNESCO xếp hạng Yazd là Di sản Thế giới vào năm 2017, gọi thành phố là "bằng chứng sống" cho việc sử dụng thông minh các nguồn tài nguyên sẵn có hạn chế trong sa mạc để sinh tồn.

    "Badgir chứng minh rằng sự đơn giản có thể là một phần thiết yếu của sự bền vững. Nó đi ngược lại quan niệm sai lầm phổ biến cho rằng các giải pháp bền vững cần phức tạp hoặc công nghệ cao", kiến trúc sư Roland Dehghan Kamaraji nhận định.

    Tuy nhiên, truyền thống kiến trúc độc đáo của Yazd gần như bị lãng quên tại chính cội nguồn, đặc biệt là từ khi máy điều hòa không khí xuất hiện, theo Oloumi.

    Khu phố cổ của Yazd là một "mê cung" với nhiều con phố hẹp và hẻm có mái che. Các công trình hàng trăm năm tuổi làm từ đất sét, gạch bùn và gạch không nung giúp cách nhiệt, chống lại nắng nóng thiêu đốt. "Ngày nay, nhà ở bắt chước kiến trúc của các nước khác và việc xây dựng bằng xi măng không phù hợp với khí hậu của Yazd", Oloumi nói.

    Kamaraji cho biết, kiến trúc khí hậu sinh học suy tàn do những hạn chế về kinh tế và các phương pháp xây dựng hiện đại thường ủng hộ việc sử dụng vật liệu tiêu tốn nhiều năng lượng và nhiên liệu hóa thạch.

    Thu Thảo (Theo AFP, Guardian)


    Adblock test (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - 700 tháp đón gió cổ đại giúp thành phố làm mát tự nhiên

Share This Page