Sự trỗi dậy gần đây của virus cúm H1N1, có 3 ca tử vong khiến người dân lo lắng nhưng các chuyên gia đánh giá là diễn biến bình thường. Tất cả các chủng cúm mùa đều có khả năng gây bệnh nặng. Chia sẻ tại họp báo ngày 4/5 về tình hình dịch bệnh, tiến sĩ Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện tại Việt Nam có 3 chủng cúm mùa phổ biến là H1N1, H3N2 và cúm B. "Gia đình" cúm này thay nhau lưu hành, tuýp này trội lên thì tuýp kia lại giảm. Đây là hoạt động bình thường của các virus cúm. Kết quả giám sát hội chứng cúm trong 5 tuần gần đây cho thấy, virus H1N1 có xu hướng trội lên. Ở tuần thứ 12, trong số các mẫu dương tính với cúm thì H1N1 chiếm 44,5%, sau đó tỷ lệ này tăng dần lên đến gần 71% vào tuần thứ 15, sang tuần thứ 16 là hơn 54%. Trong khi đó, cúm B có xu hướng giảm mạnh, thậm chí có lúc biến mất. Không chỉ H5N1, H1N1 mà bất kỳ chủng cúm mùa nào cũng có thể biến chứng nặng, dẫn đến tử vong. Ảnh: P.N. “Kết quả giám sát các ca nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng cho thấy, tất cả các virus cúm mùa đều có khả năng gây bệnh nặng, thậm chí cúm B còn nhiều hơn”, tiến sĩ Dương nói. Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cũng cho biết, gần đây số bệnh nhân mắc hội chứng cúm đến khám có xu hướng tăng. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 100-120 người nghi cúm, trong đó có 4-5 ca H1N1, đa phần ở thể nhẹ và vừa. Trong đó, có một vài trường hợp nặng, phải thở máy, diễn biến như các bệnh bình thường khác. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm xem virus H1N1 có sự biến đổi về gene hay chưa. Thế giới hiện chưa ghi nhận sự thay đổi bất thường về gene của chủng này. Các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về mối nguy dịch cúm tại những nước láng giềng Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dịch cúm H7N9 tại Trung Quốc có nguy cơ xâm nhập vào nước ta rất lớn, dịch đã lan ra 11 nơi, 127 người mắc, 27 người tử vong. Trong khi đó, tại Campuchia dịch cúm gia cầm cũng đang diến biến hết sức căng thẳng với 10 ca mắc. Việc xuất hiện virus H5N1 trên đàn chim yến tại nước ta cũng là dấu hiệu khá bất thường. “H7N9 có khả năng lây mạnh hơn so với H5N1, tỷ lệ tử vong khá cao hơn 20%. Trong khi đó, dịch SARS dù gây nhiều căng thẳng và hoang mang nhưng tỷ lệ tử vong chỉ hơn 10%. Hiện chưa có văcxin phòng virus cúm này và cộng đồng chưa có miễn dịch”, thứ trưởng Long khuyến cáo. Cũng theo thứ trưởng, nếu virus H7N9 lây từ gia cầm thì trứng và các sản phẩm gia cầm làm sạch cũng có nguy cơ mang mầm bệnh. Thực phẩm được nấu chín không có nguy cơ gây bệnh nhưng quá trình vận chuyển, chế biến vẫn có thể nhiễm bệnh. Dù vậy, hiện các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguồn truyền nhiễm H7N9 từ đầu. Dịch cúm H5N1 trên người chỉ xuất hiện khi có gia cầm bệnh hoặc chết, virus cúm gia cầm H7N9 lại khác. Trung Quốc phát hiện nhiều mẫu gia cầm sống dương tính với virus H7N9 nhưng lại chưa tìm ra các ổ dịch gây gia cầm bệnh hoặc chết. Theo một số chuyên gia, nguồn lây có thể từ chính môi trường, chợ buôn bán gia cầm ẩm ướt. Các chuyên gia khuyến cáo, tất cả các virus cúm đều gây bệnh cảnh lâm sàng giống nhau. Dù là chủng cúm nào cũng đều nguy hiểm, đặc biệt với nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người già, người mắc bệnh mãn tính. Ngoài ra, những người có biểu hiện sốt, đặc biệt là sốt quá cao trên 39 độ C, xunh quanh có người bị sốt, đau mỏi người quá mức, vật vã kích thích, không ăn uống được, trẻ có thể sốt li bì, ngủ gà... thì cũng nên đến bệnh viện. Những trường hợp bị biến chứng viêm phổi nên đến các cơ sở y tế có điều kiện hồi sức. Đây là bệnh lây qua đường hô hấp, vì thế để phòng bệnh, người dân cần hạn chế tiếp xúc với người bị cúm. Người bệnh cần đeo khẩu trang để tránh lây bệnh cho cộng đồng. Đồng thời thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống. Nam Phương Nguồn VNExpress