Chè bí đỏ đậu xanh, canh mướp đắng và cháo nấu từ các nguyên liệu thanh nhiệt là ba món ăn giúp cải thiện nhiệt miệng hiệu quả. Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - cơ sở 3, cho biết nhiệt miệng là tình trạng xuất hiện vết loét nhỏ, nông ở môi, bên trong má, nướu, gây đau rát khó chịu. Điều này khiến việc ăn uống, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Nhiệt miệng là bệnh lành tính và có thể tự khỏi sau khoảng 1-2 tuần mà không để lại sẹo. Theo quan điểm dân gian, nhiệt miệng là bệnh do bị nóng trong người, ăn nhiều đồ nóng, hoặc cơ thể phản ứng với thời tiết nóng nực. Người bị nhiệt miệng có thể sử dụng các món ăn giúp thanh nhiệt như sau: Canh khổ qua (mướp đắng) Canh khổ qua là món ăn khá quen thuộc, tương đối dễ nấu mà lại chứa nhiều chất dinh dưỡng, giúp thanh nhiệt giải độc hiệu quả trong những ngày nắng nóng. Khổ qua không chỉ giúp làm thanh mát cơ thể và bổ sung chất xơ mà còn giúp làm đẹp da, giảm mỡ máu, hạ huyết áp, hạ đường huyết. Lưu ý người nấu không nêm quá mặn sẽ khiến vết nhiệt miệng đau rát khó chịu. Ăn quá nhiều khổ qua có thể bị đầy bụng, ăn uống khó tiêu, tiêu lỏng. Không nên sử dụng cho những trường hợp có biểu hiện hạ đường huyết vì khổ qua có đặc tính hạ đường huyết. Phụ nữ có thai không nên dùng. Canh khổ qua là món ăn góp phần cải thiện nhiệt miệng hiệu quả. Ảnh: Freepik Chè bí đỏ đậu xanh Chuẩn bị 150 g bí đỏ, 100 g đậu xanh, đường trắng với lượng vừa đủ. Bí đỏ đem gọt vỏ, thái miếng to. Đậu xanh đem vo sạch rồi cho cùng bí đỏ vào nồi, nấu tới khi chín mềm thì thêm đường, múc ra bát, ăn nguội. Chè bí đỏ đậu xanh có tác dụng thanh nhiệt ở can tỳ, bổ âm, mát huyết, chống viêm. Trong bí đỏ chứa hàm lượng dinh dưỡng cao (sắt, kali, photpho, các vitamin C, vitamin B, beta caroten), rất tốt cho não bộ, làm tăng cường miễn dịch, giúp tim khỏe mạnh, mắt sáng, cho giấc ngủ ngon hơn và hỗ trợ chăm sóc da... Còn hạt và vỏ đậu xanh có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, điều hòa ngũ tạng, vừa bổ dưỡng cơ thể do rất giàu vitamin và khoáng chất. Lưu ý khi uống thuốc Đông y thì không nên ăn đậu xanh bởi loại hạt này sẽ hóa giải toàn bộ thảo mộc có trong thuốc. Cháo cá lóc, đậu xanh Nhiệt miệng gây đau đớn, khó chịu, ăn uống không ngon nhưng người bệnh cần phải đảm bảo đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Cháo được nấu từ các thành phần có tác dụng thanh nhiệt, bổ dưỡng như cá lóc, đậu xanh..., có tính mát, lành tính, thanh nhiệt, bổ dưỡng, là sự lựa chọn tuyệt vời cho những ngày bị nhiệt miệng. Tùy vào mức độ nhiệt miệng và cơ địa của từng người, hiệu quả các loại thực phẩm này mang lại sẽ khác nhau ít nhiều. Nếu bị nhiệt miệng nặng hơn, gây đau đớn nhiều hoặc tái phát nhiều lần, người dân cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Mỹ Ý Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress