Thứ năm, 24/1/2013, 11:34 GMT+7 Nguyễn Tiến Đạt, chủ một doanh nghiệp nghiên cứu về Nano bạc. Độc giả Nguyễn Tiến Đạt, kinh doanh ngành ứng dụng công nghệ nano, tham giadiễn đàn: "Vì sao khoa học trong nước ít có công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí nước ngoài". Anh cho rằng việc Việt Nam ít công bố khoa học quốc tế chẳng phải do thiếu tiền. "Tôi theo dõi loạt bài về nguyên nhân vì sao khoa học Việt ít bài đăng trên tạp chí, tôi thấy hầu hết các bạn đọc cho rằng là do giới khoa học có mức lương không đủ sống. Theo tôi, nguồn gốc sâu xa chính tự bản thân các nhà khoa học không chịu tìm giải pháp. Trước đây, khi đất nước còn khó khăn, nhà bác học Lương Định Của, Trần Đại Nghĩa vẫn có những công trình khoa học thiết thực, để đời, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho đất nước. Ngày nay nếu nói giới khoa học của ta vì lương thấp mà không có nghiên cứu tốt thì hoàn toàn sai lầm, vẫn có rất nhiều người nghiên cứu thành công những sản phẩm thiết thực cho cuộc sống. Giống như bóng đá, chỉ có một số ít siêu sao có thu nhập cao ngất, chứ không phải ai xỏ giày đá bóng đều là tỷ phú. Nghiên cứu khoa học cũng vậy, không phải cứ gắn trên mình danh hiệu thạc sĩ, tiến sĩ rồi bắt xã hội phải trả thu nhập cao. Xã hội chỉ chấp nhận những công trình mang lại lợi ích và người đó sẽ được trả công xứng đáng. Tôi tốt nghiệp đại học loại khá, đi làm như bao nhiêu kỹ sư khác ngành hóa chất. Nhưng tôi luôn trăn trở, băn khoăn về cuộc sống hiện tại khi mọi người bị bao vây bởi quá nhiều các hóa chất độc hại. Tôi tìm kiếm và phát hiện ra Nano bạc có tính năng diệt khuẩn tuyệt vời, thay thế hầu hết các hóa chất trong thuốc bảo vệ thực vật, sơn, bảo quản trái cây, chất tẩy rửa. Bằng nền tảng kiến thức học đại học, tìm hiểu thông tin trên Internet, với tâm huyết của mình, chỉ trong vòng một năm tôi đã nghiên cứu thành công. Để có thành công đó, tôi phải trải qua hàng trăm thử nghiệm thất bại, vay mượn bạn bè và gia đình với lòng quyết tâm tạo bằng được sản phẩm mà tôi mong muốn. Tôi thực hiện từ nghiên cứu cơ bản, thử nghiệm tại nhà trên cây trồng mất 3 tháng, tốn hàng trăm triệu đồng, rồi thử nghiệm trên ao nuôi tôm, thử nghiệm trên trái Thanh Long và chuối mất 6 tháng, thử nghiệm sản xuất sơn mất 3 tháng. Tất cả thứ đó, tôi đều tự trang trải chi phí và cam kết nếu hư hỏng sẽ đền bằng giá trị. Riêng việc thuyết phục khách hàng cũng đã rất nan giải vì họ đang sử dụng các loại thuốc hóa học độc hại khác và được chăm sóc tốt bởi đội ngũ bán hàng. Cuối cùng tôi đạt kết quả khi bước đầu áp dụng trên cây trồng để giảm thiểu thiệt hại cho nông dân, giúp họ sản xuất nông sản sạch. Tôi tự lập doanh nghiệp riêng bán sản phẩm ứng dụng công nghệ nano, cung cấp cho các công ty khác thay thế hóa chất bảo quản độc hại, tạo ra sản phẩm sơn có mùi rất nhẹ. Sản phẩm của tôi đã và đang làm lợi cho xã hội và chính bản thân, dù lợi nhuận chưa đủ trả hết các khoản nợ vay trong quá trình nghiên cứu. Đọc loạt bài mà VnExpress đăng tải, tôi thấy những người nào kêu "lương thấp không đủ sống" thật giống như những người được nuông chiều. Họ được nuông chiều quá đến mức không có nổi mục đích sống, mục tiêu nghiên cứu và luôn ghen tị với những người thành công. Nếu đặt họ với tấm bằng giáo sư, tiến sĩ cạnh ông Lại Minh Chức - người bán cả gia tài để chế tạo máy phân loại rác - thì tấm bằng của họ để làm gì?. Đã đến lúc phải thay đổi, các viện nghiên cứu đừng tuyển những "em bé hàn lâm" nữa, hãy đưa họ ra ngoài vận động và trưởng thành, đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Tôi muốn nhấn mạnh rằng vẫn có người nghiên cứu thành công sản phẩm hữu ích cho xã hội mà không phải ở viện nghiên cứu này, viện nghiên cứu nọ hay có các điều kiện thuận lợi. Nguyễn Tiến Đạt Mời độc giả tham gia diễn đàn "Vì sao các nhà khoa học làm việc trong nước lại ít có công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí nước ngoài", bằng cách dùng box "Ý kiến của bạn" hoặc gửi thư tới Khoahoc@vnexpress.net. Nguồn VNExpress