Nhiều trẻ nhiễm vi khuẩn viêm phổi kháng thuốc

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Jul 15, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 187)

    Hà NộiBé gái 7 tuổi ho sốt, uống hai đợt kháng sinh không khỏi, xét nghiệm phát hiện dương tính với vi khuẩn Mycoplasma có khả năng kháng thuốc.


    Ngày 15/7, sau 10 ngày nhập viện, tiêm hai loại kháng sinh phối hợp, tình trạng viêm phổi của bệnh nhi mới ổn định, tiếp tục theo dõi tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.

    Điều trị cùng phòng với bé gái này là bé trai 8 tuổi, quê Hà Nam, sốt cao liên tục, ho do nhiễm vi khuẩn Mycoplasma biến chứng viêm phổi. Đến nay bé đã nằm viện hơn ba tuần, do kháng thuốc nên uống kháng sinh không hiệu quả mà phải tiêm.


    [​IMG]

    Bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, cùng người thân chăm sóc, ngày 14/7. Ảnh: Lê Nga


    Đây là hai trong nhiều bệnh nhi tại Bạch Mai nhiễm Mycoplasma pneumoniae (M.pneumoniae), còn gọi "vi khuẩn không điển hình" - kháng thuốc, tác nhân gây viêm phổi ở trẻ em. Bác sĩ Đỗ Hoàng Hải, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết 30-40% bệnh nhân viêm phổi điều trị tại đây nhiễm vi khuẩn M.pneumoniae, phải điều trị dài ngày.

    Hiện các bác sĩ chưa rõ lý do tại sao bệnh do vi khuẩn Mycoplasma xuất hiện nhiều gần đây, song ghi nhận đây là điều bất thường và tiếp tục theo dõi. Thực tế căn nguyên gây viêm phổi như M.pneumoniae, Adenovirus, virus hợp bào hô hấp (RSV) có thể xảy ra quanh năm, tăng lên, rầm rộ ở một thời điểm nhất định, đặc biệt là giai đoạn giao mùa như xuân - hè, đông - xuân. Tại Mỹ, các nhà nghiên cứu ước tính rằng có hơn hai triệu trường hợp nhiễm M.pneumoniae mỗi năm. Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về bệnh này.

    Điều trị viêm phổi do Mycosplasma rất khó khăn. Thuốc kháng sinh là liệu pháp điều trị, tuy nhiên vi khuẩn này không có thành tế bào, do đó có khả năng kháng kháng sinh. Vì vậy, đa phần bệnh nhân không đáp ứng điều trị với các kháng sinh thông thường. Một số bệnh nhân biến chứng nặng hoặc nhiễm thể Mycoplasma kháng thuốc phải điều trị đặc hiệu, theo bác sĩ Hải.

    Các biến chứng nghiêm trọng thường không phổ biến, nhưng có thể dẫn đến tử vong, gồm viêm phổi nặng, khởi phát đợt cấp của hen phế quản, viêm não, thiếu máu tan máu, suy thận, hội chứng Stevens-Johnson...

    Theo bác sĩ Hải, M.pneumoniae là một trong những tác nhân gây viêm phổi không điển hình, với các triệu chứng khác viêm phổi do vi khuẩn thông thường khác. Diễn biến viêm phổi từ từ và bán cấp, trẻ sốt nhẹ sau đó tiến triển thành sốt cao hơn và ho dai dẳng. Thời gian ủ bệnh 2-3 tuần.

    Khởi đầu, trẻ có những triệu chứng ở đường hô hấp trên như ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ. Sau đó, bệnh tiến triển hoặc gây biến chứng viêm phổi dẫn đến sốt cao, ho kéo dài liên tục, khó thở. Trẻ lớn có thể khởi phát cơn hen cấp tính hoặc thêm các triệu chứng khác như đau đầu, đau cơ, đau ngực.

    Vi khuẩn này cũng có thể gây các bệnh ngoài phổi và nhiễm trùng đường hô hấp như xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, viêm gan cấp tính, thiếu máu tan máu tự miễn, viêm khớp và viêm tủy.


    [​IMG]

    Mycoplasma pneumoniae là một trong những tác nhân gây bệnh viêm phổi nguy hiểm ở trẻ em. Ảnh: Criver.com


    Nhiễm khuẩn Mycoplasma phổ biến nhất ở thanh thiếu niên tuổi đi học. Trẻ sống và học tập trong môi trường đông đúc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Vi khuẩn lây truyền qua các giọt nhỏ trong không khí, tiếp xúc gần. Vì vậy, cách phòng ngừa bệnh hiệu quả là đeo khẩu trang.

    Hiện chưa có vaccine phòng bệnh do Mycoplasma. "Bệnh do vi khuẩn Mycoplasma nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm và có thể lây lan rộng ra cộng đồng", bác sĩ Hải nói, khuyến cáo nên đi khám ngay khi có những triệu chứng sốt, mệt mỏi, ho dai dẳng.

    Lê Nga


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Nhiều trẻ nhiễm vi khuẩn viêm phổi kháng thuốc

Share This Page