Nghiện điện thoại, thói quen tàn phá giấc ngủ

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Jul 14, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 140)

    Hà NộiLên giường lúc 22h, nhưng đến 3h sáng Tùng, 23 tuổi, mới chợp mắt, cũng là lúc chiếc điện thoại thông minh của anh hết pin hoàn toàn.


    Đầu tháng 7, Tùng đến Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, khám trong tình trạng mệt mỏi, đau đầu, nhiều khi căng thẳng, bồn chồn. Anh cho biết từ nhiều năm nay không thể ngủ nếu trước đó không lướt điện thoại để tán gẫu hoặc xem phim. Mỗi ngày, chàng trai chỉ ngủ khoảng 4-5 tiếng, hay trằn trọc, nhiều lần tỉnh giữa đêm và thức dậy với tình trạng mệt mỏi.

    Tùng gầy hốc hác, mắt thâm quầng. Bác sĩ Đoàn Văn Phúc, Trưởng Khoa Thần kinh, chẩn đoán một trong những nguyên nhân gây mất ngủ là chứng rối loạn lo âu, cảm xúc, trong đó thói quen xem điện thoại trước giờ ngủ góp phần không nhỏ dẫn đến tình trạng này. Không thể ngủ sớm nên đành lướt điện thoại, xem hết video này đến clip khác, đến khi điện thoại hết pin mới thiếp đi. Thói quen này như vòng luẩn quẩn giết chết giấc ngủ của người bệnh.

    Một bệnh nhân khác là chị Liên, 45 tuổi, ở Tây Hồ, vào viện khám trong tình trạng nhớ nhớ, quên quên, mệt mỏi, đau đầu và mất ngủ trầm trọng.

    Chị cho biết ở nhà làm nội trợ, thời gian rảnh rỗi nhiều, nên xem điện thoại cho đỡ chán. Gần đây, đến giờ đi ngủ là chị lên cơn hoảng loạn, do thường xuyên thức đến sáng, không thể chợp mắt. Chị có thói quen xem tivi và điện thoại đến khuya, thiếp đi 1-2 tiếng lại tỉnh giấc, lấy điện thoại xem đến sáng. Bác sĩ cho biết điện thoại là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đau đầu, rối loạn giấc của bệnh nhân.


    [​IMG]

    Dùng điện thoại hàng giờ trước khi ngủ là một trong những nguyên nhân gây mất ngủ. Ảnh: Success


    Tùng và chị Liên là hai trong hàng chục trường hợp đến các cơ sở y tế như Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, khám mỗi ngày do mất ngủ. Trong số này, nhiều người bị điện thoại "đánh cắp" giấc ngủ, khiến họ mắc thêm các chứng rối loạn lo âu, mệt mỏi, suy nhược.

    Một nghiên cứu của Wakefield Research cho thấy khoảng 37% người trẻ Việt bị mất ngủ, 73% thừa nhận gặp tình trạng căng thẳng (stress) do rối loạn giấc ngủ. Đáng chú ý, 79% người tham gia khảo sát nói không có thời gian nghỉ ngơi mỗi ngày và trung bình mỗi nhân viên văn phòng dành 10 ngày một năm chỉ để ngủ bù.

    Hiện chưa có số liệu thống kê tỷ lệ bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ do sử dụng thiết bị điện tử, song các bác sĩ cho rằng đây là một trong những lý do chính khiến nhiều người không thể chợp mắt. Thực tế, nhiều người sẵn sàng chi tiền cho các thiết bị có tính năng cao cấp để dành nhiều thời gian lướt web, chơi game, xem tin tức. Thống kê năm 2021 của GFK cho thấy người Việt ưu tiên chọn thiết bị có tính năng cao cấp, trong đó có smartphone. Năm 2017, người Việt sẵn sàng chi khoảng 257 USD (5,8 triệu đồng) cho một smartphone, nhưng đến năm 2022, con số này tăng lên 292 USD (6,6 triệu đồng).

    Lướt điện thoại trước khi ngủ không chỉ đánh cắp thời lượng của giấc ngủ mà còn khiến chất lượng ngủ bị suy giảm đáng kể. Theo Tổ chức Giấc ngủ Mỹ (Sleep Foundation), vào ban đêm, cơ thể phản ứng với bóng tối bằng cách giải phóng melatonin, một loại hormone báo hiệu rằng đã đến lúc đi ngủ. Nếu sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ sẽ làm cho nhịp sinh học bị đảo lộn. Bộ não vốn rất nhạy cảm với ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử, ra tín hiệu làm chậm quá trình sản xuất melatonin khiến cơ thể khó đi vào giấc ngủ, lâu dần có thể dẫn đến chứng khó ngủ, ngủ trễ hoặc mất ngủ.

    Nếu các tế bào thần kinh thị giác được ánh sáng xanh kích thích trong khoảng 8 phút, cơ thể có thể bị kích thích liên tục trong hơn một giờ, dẫn đến rối loạn đồng hồ sinh học. Sau đó, một người sẽ phải mất ít nhất một tiếng trằn trọc để chìm vào giấc ngủ sau khi sử dụng điện thoại.

    Nghiên cứu được công bố trên Thư viện Y học quốc gia Mỹ cũng cho thấy, ánh sáng xanh có thể làm giảm thời gian cơ thể trải qua hai giai đoạn quan trọng của giấc ngủ là giấc ngủ sóng chậm (slow-wave) và giấc ngủ chuyển động nhanh (rapid eye movement). Hai giai đoạn ngủ này có vai trò quan trọng giúp củng cố ký ức và điều chỉnh tâm trạng.

    Bác sĩ Phúc cho biết nếu không ngủ đủ giấc, cơ thể sẽ không được phục hồi và tái tạo đủ năng lượng, gây mệt mỏi, suy giảm sức khỏe cũng ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể và não bộ. Ban đầu, bệnh nhân chỉ đơn giản là bị mất ngủ, nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng hệ thần kinh, khiến trí nhớ giảm, uể oải, mệt mỏi, thể trạng suy kiệt, ảnh hưởng khả năng học tập, lao động, gây yếu sinh lý.

    Nguy hiểm hơn, nhiều người không chịu thay đổi thói quen sống, không tìm hiểu nguyên nhân mà lại tự sử dụng các loại thuốc, thảo dược không rõ nguồn gốc để trị triệu chứng, lâu dần gặp tình trạng lệ thuộc vào thuốc, việc điều trị khó khăn hơn nhiều.


    [​IMG]

    Thói quen sử dụng điện thoại khiến nhiều người bị rối loạn giấc ngủ. Ảnh: Freepik


    Các chuyên gia khuyên mọi người không sử dụng thiết bị điện tử trong một giờ trước ngủ, duy trì thói quen thức ngủ đều đặn, đảm bảo môi trường yên tĩnh. Tránh ăn quá no hoặc quá đói trước khi đi ngủ, hạn chế thức ăn và đồ uống chứa caffeine như cà phê, trà, nước ngọt có gas. Có thể dùng một số thảo dược hỗ trợ giấc ngủ như tâm sen, hoa cúc.

    Thúy Quỳnh

    * Tên bệnh nhân được thay đổi


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Nghiện điện thoại, thói quen tàn phá giấc ngủ

Share This Page