Lần duy nhất con người khiến thác Niagara ngừng chảy trong 12.000 năm

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Jul 13, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 105)

    Năm 1969, Mỹ từng đổ 28.000 tấn đá xuống sông Niagara làm đập ngăn nước chảy, khiến thác khô cạn để xem xét những tảng đá bên dưới.


    [​IMG]

    Thác Mỹ, một trong 3 thác tạo nên thác Niagara, trong ảnh chụp năm 2018. Ảnh: AP


    12.000 năm trước, thác Niagara hình thành khi một dòng sông mới - ngày nay là sông Niagara - xuất hiện giữa hồ Erie và hồ Ontario. Là một trong những thác nước lớn nhất thế giới, việc thác Niagara ngừng chảy rất khó hình dung. Nhưng thực tế, thác nước này từng ngừng chảy hai lần, một trong số đó hoàn toàn do con người, IFL Science hôm 12/7 đưa tin.

    Lần đầu tiên xảy ra vào ngày 29/3/1848, người dân địa phương thức dậy và thấy thác nước hùng vĩ không còn nước chảy qua. Dòng sông đã hoàn toàn dừng lại, khiến toàn bộ khu vực trở nên khô cạn. Nguyên nhân là những khối băng khổng lồ ở hồ Erie bất ngờ bị gió mạnh đẩy về phía đầu nguồn sông Niagara. Toàn bộ dòng chảy bị chặn lại khi một con đập tự nhiên hình thành. Sự tắc nghẽn này tồn tại khoảng 30 tiếng. Sau đó, gió chuyển hướng và dòng sông được giải phóng khỏi những khối băng.


    [​IMG]

    Thác Mỹ khi không còn nước chảy qua. Ảnh: NMGiovannucci


    Lần thứ hai thác Niagara ngừng chảy là do nỗ lực của Công binh Lục quân Mỹ. Thác Niagara hình thành từ ba thác, trong đó thác lớn thứ hai là thác Mỹ. Có thể dễ dàng nhận diện thác này nhờ lượng đá lớn tích tụ ở chân thác gọi là talus, chậm rãi tích tụ qua nhiều năm sạt lở. Quá trình này có lúc diễn ra rất nhanh, ví dụ vào năm 1931, khoảng 76.000 tấn đá rơi xuống chân thác, hoặc năm 1954, số lượng lên tới 185.000 tấn.

    Điều này trở thành một mối bận tâm với Mỹ. Các chuyên gia lo ngại việc tiếp tục tích tụ đá sẽ làm hạn chế lượng nước chảy xuống và có thể khiến thác ngừng hoàn toàn. Vì vậy, Mỹ và Canada thỏa thuận sẽ ngăn dòng nước chảy qua thác Mỹ khoảng 5 tháng. Trong thời gian này, họ dự định nghiên cứu quá trình thác nước tích tụ đá, cấu tạo địa chất của đá và cân nhắc xem có cần can thiệp và loại bỏ bớt đá hay không.

    Nhiệm vụ đòi hỏi sự nỗ lực to lớn. Năm 1969, hơn 1.200 xe tải vận chuyển khoảng 28.000 tấn đá đổ xuống dòng sông phía trên thác Mỹ trong 3 ngày. Nước được chuyển hướng về phía thác Horseshoe (lớn nhất trong số 3 thác tạo nên Niagara) và lượng nước cung cấp cho thác Mỹ chỉ còn nhỏ giọt, làm khô cạn vách đá khổng lồ.


    [​IMG]

    Thác Mỹ nhìn từ trên cao vào tháng 6/1969. Ảnh: AP


    Dòng thác khô cạn làm lộ ra hàng triệu đồng xu bị ném xuống sông qua các năm, khiến người dân và du khách đổ xô đến. Bên cạnh đó, người ta cũng phát hiện và trục vớt hai thi thể. Điều này nghe có vẻ đáng sợ nhưng thực chất đây là con số rất nhỏ với dòng sông lớn như vậy, đặc biệt là một dòng sông nổi tiếng với những vụ tự tử và những hành động mạo hiểm.

    Các kỹ sư nghiên cứu đá, tìm kiếm những đường đứt gãy và điểm áp lực. Họ gia cố những vị trí yếu bằng bu lông và khoan lỗ để nước chảy theo đường khác, giúp giảm các điểm chịu áp lực quá lớn. Bằng cách này, họ có thể xác định khả năng đá tiếp tục rơi là bao nhiêu và trong khoảng thời gian như thế nào.

    Sau thời gian nghiên cứu, nhóm kỹ sư quyết định không loại bỏ bất cứ khối đá nào vì đó sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, tiêu tốn một số tiền khổng lồ. Con đập được dỡ bỏ và nước lại chảy qua thác vào tháng 11/1969, chấm dứt quãng thời gian khô cạn cuối cùng. Về sau, đến năm 1974, các nhà khoa học cũng kết luận rằng những tảng đá là yếu tố cần thiết để chống đỡ thác nước.

    Thu Thảo (Theo IFL Science)


    Adblock test (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Lần duy nhất con người khiến thác Niagara ngừng chảy trong 12.000 năm

Share This Page