Hà NộiChi gần 50 triệu đồng mổ cận thị, Loan 23 tuổi, thường xuyên bị khô, mỏi và lóa mắt, phải chăm sóc nhiều hơn so với trước mổ. Loan cận 5 độ từ năm 8 tuổi, sau một năm tăng thêm hai độ, chăm sóc mắt và uống thuốc định kỳ. Mỗi tháng, Loan tốn hơn hai triệu đồng chi phí khám mắt, thuốc nhỏ, dinh dưỡng để không tăng độ. Tháng 5/2021, Loan mổ mắt - phương pháp dành cho bệnh nhân có độ cận loạn thị cao - chi phí 45 triệu đồng, chưa kể tiền thuốc. Bác sĩ dặn phải kiêng tất cả thiết bị điện tử sau mổ, tránh nước một tuần, nhỏ nước mắt nhân tạo 3-6 tháng. Song, do tính chất công việc, cô vẫn phải sử dụng máy tính, điện thoại với tần suất dày đặc khiến mắt thường xuyên bị mỏi, khô. Hơn một năm nay, cô nhìn mờ hơn vào ban đêm - giống tình trạng của bệnh quáng gà. Sợ bị cận lại, cô uống thuốc bổ mắt, khám lại với mong muốn "đã chi số tiền lớn để mổ mắt nên không thể để tái cận". Tương tự, Sơn Anh 26 tuổi, cũng thường xuyên bị khô, mỏi và lóa nếu mắt hoạt động nhiều. Ba năm trước, anh phẫu thuật mắt tại bệnh viện, chi phí 25 triệu đồng. Lý do mổ chỉ vì "thấy đeo kính không đẹp". Sau phẫu thuật, anh hối hận vì mắt vẫn phải chăm sóc nhiều, đau nhức và mỏi sau 6 tháng. Gần đây, chỉ cần ngồi máy tính 15-20 phút, mắt Sơn Anh nhòe và nhạy cảm hơn. Thỉnh thoảng, anh phải đeo kính để nhìn cho rõ. Sau mổ cận thị cần tránh tiếp xúc các thiết bị điện tử để mắt nghỉ ngơi, tránh nhìn nhòe lóa, tái cận. Ảnh: Nhân vật cung cấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán 50% dân số toàn cầu có khả năng bị cận thị vào năm 2050. Tại Việt Nam, số người cận thị tăng mạnh trong những năm gần đây, nhất là khu vực thành thị. Trong đó, ở Hà Nội, TP HCM, tỷ lệ cận thị có thể lên tới 50-70% ở học sinh. Bác sĩ Hoàng Thị Thanh Nga, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, cho biết mổ cận là phẫu thuật phổ biến giúp điều chỉnh độ cong của giác mạc, hoặc đặt thấu kính bên trong mắt để khử độ cận. Tuy nhiên, mổ cận không thể giải quyết những biến chứng của cận thị như thoái hóa võng mạc. Tỷ lệ gặp các vấn đề không mong muốn thường rất thấp, nhưng nhiều người có thể bị cộm, khó mở mắt trong thời gian ngắn, tăng nhạy cảm với ánh sáng. Trong điều kiện ánh sáng yếu như vào ban đêm, nhìn các nguồn sáng khiến bệnh nhân bị chói, lóa, quầng sáng. Biểu hiện này thường kéo dài trong ba tháng, sau đó giảm dần. Giai đoạn đầu hậu phẫu, người bệnh có thể gặp tình trạng khô mắt. Trong những ngày đầu, mắt bị kích thích chảy nước mắt nhiều hơn. Giai đoạn sau xuất hiện các biểu hiện khác như nóng, rát quanh mắt, mắt nhìn mờ, nhòe. "Đây là những vấn đề phổ biến, kéo dài 3-6 tháng, sau đó tình trạng mắt được cải thiện dần", bác sĩ nói. Trường hợp khó chịu do khô mắt kéo dài thường do chưa tuân thủ đúng điều trị hậu phẫu, cường độ làm việc tiếp xúc với máy tính quá nhiều, chế độ sinh hoạt không hợp lý, thiếu ngủ, mất ngủ. Cùng quan điểm, bác sĩ Hoàng Thanh Tùng, khoa Mắt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng chưa có một biện pháp nào có thể điều trị triệt để, trẻ vẫn có nguy cơ bị cận trở lại. Ngoài ra, chữa cận khó khăn và tốn kém. Sau khi mổ cận vẫn phải duy trì các biện pháp bảo vệ cho mắt. Nhiều trường hợp mổ xong bị đau nhức, nhạy cảm, thậm chí phải đeo kính trở lại, chứng tỏ cận thị có xu hướng tiến triển nặng hơn. Đơn cử, một bệnh nhân 18 tuổi, mổ cận cách đây hai năm, sau đó không đi kiểm tra định kỳ. Khi mắt mờ và mỏi hơn, em đến một trung tâm kính mắt đo độ cận bằng máy khúc xạ tự động với con số ước lượng, dẫn đến sai số thị lực. Khi một bên mắt mờ nhiều, bác sĩ khám phát hiện tái cận, số độ cận cao gấp ba lần trước khi mổ, phải đeo kính trở lại. Hiện, cứ 3-6tháng, thanh niên này phải đi tái khám, uống và nhỏ thuốc để giữ cho mắt không tăng số. Các bệnh viện chưa có thống kê cụ thể cho chi phí khám, chữa cận cho một bệnh nhân. Các bác sĩ ước tính số tiền chi cho một cuộc mổ cận cũng như các thuốc, thực phẩm chức năng dao động từ 50 đến 150 triệu đồng. Không phải ai cũng có thể mổ cận thị. Theo bác sĩ Nga, một người muốn mổ cận cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản như đủ 18 tuổi trở lên, độ cận ổn định trong ít nhất 6 tháng trước khi phẫu thuật, không trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú, không sử dụng các thuốc nội tiết, không mắc các bệnh lý viêm nhiễm cấp tính. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân cần khám chuyên sâu để đảm bảo đủ điều kiện mổ và tiên lượng khả năng hồi phục thị lực. Bác sĩ kiểm tra thị lực cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Hiện nay có 4 phương pháp chính để phẫu thuật chữa cận thị gồm lasik, femto lasik, relex smile, phakic. Chi phí mổ khoảng từ 20 triệu đến 90 triệu đồng, tùy theo phương pháp. Thông thường, một người chỉ có thể mổ cận một lần. Một vài trường hợp đặc biệt, bệnh nhân cần phẫu thuật lần hai và đảm bảo một số yêu cầu. Ví dụ, giác mạc phải đủ độ dày để thực hiện mổ cận bằng laser. Trước khi mổ, bệnh nhân được kiểm tra cấu trúc giải phẫu mắt xem có gì bất thường trước khi mổ. Sau khi mổ phải tuân thủ hướng dẫn chăm sóc từ bác sĩ. Một ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, mắt cần thời gian để hồi phục hoàn toàn. Trong ba ngày đầu nên đeo kính bảo hộ. Tuyệt đối không dụi hoặc để mắt tiếp xúc với nước. Tránh mắt tiếp xúc với chất tẩy rửa như dầu gội, sữa tắm trong một tháng đầu. Nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ, hợp lý, ngủ đủ giấc. Hạn chế nhìn gần, tiếp xúc ánh sáng xanh trong thời gian dài. Bổ sung thực phẩm tốt cho mắt như vitamin A, omega 3, rau củ màu vàng, đỏ, màu xanh thẫm. Với trẻ, các sĩ khuyến cáo đeo kính đủ số và kiểm soát sự tiến triển của cận thị. Hạn chế nhìn gần và sử dụng các thiết bị kỹ thuật số như điện thoại, ipad, máy tính, tivi. Tăng cường hoạt động ngoài trời, ít nhất hai giờ một ngày và 10 giờ mỗi tuần. Minh An *Tên nhân vật được thay đổi Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress