Hơn 10.000 dịch vụ y tế sẽ tăng giá

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Jul 12, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 128)

    Bộ Y tế cùng các bệnh viện đang xây dựng khung giá hơn 10.000 dịch vụ, kỹ thuật y tế theo hướng tính đúng tính đủ, trong lộ trình tăng viện phí sắp tới.


    Khung này sẽ được làm cơ sở để Bộ Y tế điều chỉnh giá các dịch vụ y tế, trong bối cảnh viện phí lạc hậu. Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết định mức trên sẽ được hoàn thiện trong quý ba để trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Trước mắt, tập trung hoàn thiện các dịch vụ kỹ thuật thiết yếu, sau đó từng bước bổ sung, cập nhật. Giá mới dự kiến áp dụng tại các cơ sở y tế công lập, khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2024.

    Bệnh viện Bạch Mai là một trong các bệnh viện đầu ngành sẽ xây dựng định mức cho hơn 5.000 kỹ thuật ở 14 chuyên khoa, hoàn thành trước ngày 31/8. PGS Đào Xuân Cơ, Giám đốc bệnh viện, cho biết theo quy trình xây dựng khung giá, đầu tiên cần lập danh mục, sau đó tính định mức kỹ thuật rồi áp giá tương ứng định mức để hình thành giá mới của dịch vụ.

    Ví dụ, một ca mổ ruột thừa cần hai bác sĩ phẫu thuật, một bác sĩ gây mê, một y tá phụ trách dụng cụ và các loại thuốc như kháng sinh, thuốc mê, chuẩn bị loại máy, dao mổ, chỉ khâu... Trên cơ sở nhân lực kíp mổ, số vật tư thiết bị, thuốc cần dùng, bệnh viện sẽ tính toán lương một giờ của bác sĩ, y tá là bao nhiêu, giá của thiết bị vật tư và các chi phí quản lý, khấu hao; từ đó tính được tổng chi phí cho một ca mổ.

    "Từ định mức bệnh viện xây dựng trên căn cứ thực tiễn lâm sàng như trên, Bộ Y tế sẽ quyết định mức giá chung cho một ca mổ", ông Cơ nói.


    [​IMG]

    Bác sĩ khám bệnh tại Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM, tháng 4/2023. Ảnh: Quỳnh Trần


    Kết cấu của giá khám bệnh chữa bệnh gồm 4 yếu tố là chi phí trực tiếp (như thuốc, sinh phẩm); tiền lương, tiền công; chi phí quản lý và chi phí khấu hao thiết bị. Tuy nhiên, giá dịch vụ y tế hiện hành mới kết cấu được hai yếu tố là tiền lương và chi phí trực tiếp. Giá nhiều dịch vụ kỹ thuật ban hành từ gần 20 năm trước, cần phải cập nhật, điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ.

    Bộ Y tế dự kiến đến cuối năm 2024, giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng 9%, trong đó chi phí do điều chỉnh lương cơ sở kết cấu vào giá chiếm 5%, còn lại là chi phí quản lý.

    Hiện người bệnh phải tự trả khoảng 40% chi phí khám, chữa bệnh, số còn lại từ bảo hiểm y tế. Ông Thuấn hy vọng giá dịch vụ y tế điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ sẽ từng bước giảm chi "tiền túi" của người dân. "Việc tính đúng giá dịch vụ y tế là yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, bệnh viện và cán bộ y tế", Thứ trưởng Thuấn nói.

    Tại cuộc họp với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chiều 11/7, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật là "rất quan trọng để xác định việc tham gia chi trả của bảo hiểm y tế, ngân sách nhà nước, người bệnh". Lộ trình tăng giá khám chữa bệnh cần lựa chọn dịch vụ tăng trước, đánh giá tác động trước khi mở rộng, từ đó tạo đồng thuận trong xã hội.

    Thời gian qua, nhiều lãnh đạo bệnh viện phản ánh giá viện phí đã rất lạc hậu, trượt giá qua từng năm. Ví dụ, Bệnh viện Bạch Mai thu phí một lượt siêu âm là 43.900 đồng không đủ để chi trả hao mòn máy móc, chưa tính tới tiền nhân công. Bệnh nhân đông, nguồn thu bệnh viện vẫn eo hẹp, rất khó khăn khi phải cân bằng thu, chi, không giữ chân được y bác sĩ.

    Lê Nga


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Hơn 10.000 dịch vụ y tế sẽ tăng giá

Share This Page