Đằng sau mức lương 300.000 USD mà không phải làm gì

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Jul 12, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 139)

    Khi Graham được Amazon tuyển năm 2020, anh nghĩ đến viễn cảnh sớm áp dụng kiến thức chuyên ngành máy học của mình vào trợ lý ảo Alexa.


    Quan trọng hơn, Graham - người giấu danh tính thật vì đang làm việc trong một công ty Big Tech - tự hào vì anh được Amazon trả lương 300.000 USD mỗi năm, mức đáng mơ ước trong ngành công nghệ. Nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó, anh rơi vào trạng thái mông lung vì không biết phải làm gì.

    Trong bốn tháng kể từ khi đến Amazon, Graham loay hoay vì không ai phân công việc cho anh. Trong hai năm tiếp theo, anh tiếp tục tự "bơi" trong môi trường rộng lớn và cảm thấy lạc lõng. Nhiệm vụ của anh là xem lãnh đạo các dự án được thăng chức theo thời gian.


    [​IMG]

    Minh họa cách nhân viên Big Tech làm việc vô nghĩa sau khi được tuyển dụng. Ảnh: Business Insider


    Graham bắt đầu chán nản. Anh bị cho vào diện có nguy cơ bị sa thải vì "hiệu suất không như mong đợi". Tuy nhiên, sau đó anh được tham gia dự án dùng máy học để cải thiện đề xuất âm nhạc trên Amazon Music.

    "Đó là dự án thú vị nhất tôi thực hiện", Graham nói. "Tôi thấy rất vui vì bản thân có đóng góp và là một thành viên có giá trị trong nhóm".

    Nhưng dự án không được triển khai thực tế. Quản lý trực tiếp của anh nói đó đơn giản chỉ là bài tập "để đáp ứng các điều khoản đã ký trong hợp đồng công việc". Graham rời Amazon ngay sau đó.

    Trong nửa sau 2022 và đầu năm nay, khi nhiều công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon sa thải hàng chục nghìn nhân viên, có một thuật ngữ được nhắc tới để mô tả những người như Graham, đó là "giả vờ làm việc" (fake work). "Họ không có gì để làm. Thực tế họ đảm nhận vị trí hữu danh vô thực. Mọi thứ đang được phơi bày. Có những người chẳng làm gì ngoài đi họp", nhà đầu tư nổi tiếng Keith Rabois nói tại một sự kiện vào tháng 3 do ngân hàng đầu tư Evercore tổ chức.

    Hai chuyên gia tư vấn Brent Peterson và Gaylan Nielson viết trong cuốn Fake Work năm 2009 rằng "giả vờ làm việc" là hành động tham gia các cuộc họp, báo cáo và thuyết trình vô nghĩa, gợi lên hình ảnh của một nhân viên chỉ "khoác áo vest và nghỉ ngơi" nhưng vẫn nhận lương cao ngất ngưởng cùng nhiều phúc lợi và cổ phần hàng tháng.

    Rabois, từng làm CEO PayPal đầu những năm 2000, ước tính Alphabet và Meta có hàng nghìn nhân viên không làm gì cả. Theo tỷ phú này, các công ty tại Thung lũng Silicon cố tình tuyển quá nhiều kỹ sư và tài năng công nghệ chỉ với mục đích ngăn họ gia nhập công ty đối thủ. Brit Levy, cựu nhân viên Meta, đồng quan điểm. Trên TikTok, bà cho rằng các công ty chỉ đơn giản là giữ nhân viên "như thẻ Pokémon".

    Tuy nhiên, theo phỏng vấn của Business Insider với hơn 30 người từng là nhân viên và quản lý cấp cao trong Big Tech, vấn đề còn liên quan đến cách quản lý của đội ngũ cấp cao. "Hầu hết người lao động đều muốn làm việc. Họ muốn xuất hiện, đóng góp công sức trong 8 tiếng và cảm thấy hài lòng về bản thân", giáo sư Scott Latham của Đại học Massachusetts Lowell, nhận xét. "Thủ phạm thực sự hình thành nên văn hóa 'giả vờ làm việc' là những quản lý lười biếng".

    Được giao công việc "không đâu vào đâu"

    Vấn đề "giả vờ làm việc" tồn tại từ lâu. Làn sóng mới nhất diễn ra khi đại dịch bùng phát khiến các công ty phải làm việc từ xa. "Amazon, Google, Meta, Shopify và nhiều gã khổng lồ khác chứng kiến sự bùng nổ về nhu cầu đối với sản phẩm của họ. Do đó, họ tuyển dụng cùng lúc hàng nghìn tân binh mà ít suy nghĩ về việc sắp xếp họ ở đâu, có vai trò gì", Rich Moran, nhà đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon, nhận xét.

    Một cựu quản lý của Google tiết lộ được công ty yêu cầu hạ thấp tiêu chí khi tuyển dụng. Trong thời gian này, quy mô nhân sự tăng gấp đôi, nhưng hiệu quả công việc giảm rõ rệt do các nhóm thường được sắp xếp lại hàng tuần. Điều này khiến các nhóm phân tâm và không hoàn thành việc được giao đúng tiến độ, còn người mới không biết mình phải làm gì.

    "Không hề có hướng dẫn nào cả", một cựu nhân viên Meta nói về hai tháng làm việc của mình. "Cả ngày, tôi hoàn toàn không có gì để làm, thay vào đó chỉ lướt web. Tôi không có ai để báo cáo. Có vẻ như không ai biết tôi đang tồn tại trong công ty".

    Một cựu nhân viên khác tại Meta mô tả công việc của những người mới vào năm 2022 là "ở cấp độ thực tập". Họ chỉ được giao sắp xếp biểu đồ dựa trên dữ liệu có sẵn hoặc chỉnh sửa văn bản, dù bản thân có hơn 10 năm kinh nghiệm. "Chúng tôi cảm thấy môi trường ngột ngạt và thường bị ngăn cản khi cố tăng phạm vi công việc của mình", người này nói.

    Một số khác lại được giao rất nhiều nhiệm vụ, nhưng không phục vụ mục đích quan trọng nào, như thể chỉ để "giết thời gian", theo một cựu giám đốc Google.

    Một nhân viên cũ của Meta được thuê trong đại dịch nói bản thân rất thất vọng vì cảm thấy nhàn rỗi, đến mức cô đã nhận công việc thứ hai tại Microsoft cùng lúc nhưng Meta không hề hay biết. Cảm thấy sai trái, cô đã xin nghỉ tại cả hai công ty sau đó.

    Khi tuyển dụng là thước đo năng lực quản lý

    Theo các nguồn tin, vấn đề "giả vờ làm việc" tăng cao bắt nguồn từ cấp quản lý, những người cố tạo ấn tượng với cấp cao hơn bằng cách tuyển dụng. "Họ sẽ được khen thưởng, vì hành động của họ cho thấy nhóm mà họ lãnh đạo đang làm việc hiệu quả và họ là nhân tố quan trọng", Moran giải thích. "Một giám đốc được đánh giá tốt không phải bằng đóng góp, mà bằng số lượng nhân viên".

    Theo Graham, nhóm của một quản lý càng lớn, người đó càng có tiếng nói trong công ty. "Chúng tôi gọi đó là việc xây dựng đế chế. Khi bạn không tập trung tạo sản phẩm mà chỉ chăm chút cho đế chế, lượng nhân viên sẽ phình to theo cách không cần thiết", Graham nói.

    Để tạo ra một đế chế, nhà quản lý chỉ cần thu nạp nhân viên cấp dưới mà không cần biết họ sẽ và nên làm gì. "Thay vì lập kế hoạch theo cách hiệu quả, họ chỉ nói: Tôi cần từng này người'", Anna Tavis, giáo sư tại Đại học New York, cho hay.

    Để củng cố quyền lực, những người thuộc cấp quản lý thường tự tạo các dự án để trình lên cấp trên. Tuy nhiên, nhiều trong số đó bị đánh giá là "phù phiếm", không đóng góp gì cho doanh thu của công ty nhưng lại là yếu tố giúp quản lý đó thăng tiến cùng lương thưởng hậu hĩnh. Một cựu nhân viên Google mô tả vấn đề này là "thưởng cho hành vi xấu" và là nơi "nuôi dưỡng những người giỏi làm những công việc nhảm nhí".

    Một số cựu nhân viên Big Tech ủng hộ làn sóng sa thải sau thời gian các cỗ máy phình to, còn nhân viên ít được làm việc. Phía Meta, Google, Amazon cũng khẳng định trong các cuộc họp rằng họ xem 2023 là "năm hiệu quả" và tinh giản, cấu trúc lại công ty vốn có quá nhiều tầng quản lý.

    "Những công ty tuyển dụng nhiều thời gian qua đã 'đổ máu' đáng kể, trong khi các doanh nghiệp khác sẽ sớm nhận ra họ phải làm điều tương tự", Greg Selker của công ty tư vấn Stanton Chase nói.

    Bảo Lâm (theo Business Insider)


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - Đằng sau mức lương 300.000 USD mà không phải làm gì

Share This Page