Hà NộiCác bác sĩ cho rằng khi trẻ bị đuối nước, thay vì dốc ngược trẻ chạy quanh, mọi người nên hồi sức thổi ngạt, ép tim, để nhanh chóng cứu sống nạn nhân. Thông tin được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương nêu hôm 7/7, khi gần đây nơi này tiếp nhận nhiều trẻ đuối nước nguy kịch hoặc tử vong do người lớn cấp cứu sai cách. Thay vì thổi ngạt và ép tim ngay, trẻ được người thân vác dốc ngược chạy quanh trong vài phút rồi mới sơ cấp cứu. Thời gian từ lúc được cấp cứu đến khi vào cơ sở y tế ban đầu mất vài chục phút, sau đó mới chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Dù đã áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực, một số bé tử vong do thiếu oxy kéo dài, dẫn đến tổn thương não không hồi phục, suy đa cơ quan. Một số bệnh nhi khác chịu những di chứng thần kinh do thời gian thiếu oxy não kéo dài sau đuối nước. Các bác sĩ nhận định sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì nguyên nhân gây tử vong là tổn thương não do thiếu oxy. Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa khoảng 4-5 phút, nếu quá giới hạn này, não sẽ tổn thương không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Do đó, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim, cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay lập tức, vì đây là thời điểm vàng để cứu sống trẻ. Như vậy, biện pháp dốc ngược trẻ chạy vòng quanh không có tác dụng bơm oxy lên não, thậm chí còn làm bỏ lỡ thời gian vàng cứu sống nạn nhân. Bên cạnh các biện pháp hồi sức thường quy, trẻ đuối nước còn được hạ thân nhiệt chủ động, nghĩa là dùng các thiết bị đưa thân nhiệt cơ thể giảm xuống 33-34 độ C trong một vài ngày để bảo vệ não, tránh não tổn thương nặng, giúp hồi phục. Tuy nhiên, chỉ định và hiệu quả của liệu pháp phụ thuộc vào thời gian trẻ ngừng tim cũng như có được hồi sức tim phổi kịp thời và đúng cách hay không. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong thập kỷ vừa qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người trên toàn cầu. Ước tính, mỗi năm có khoảng 236.000 người tử vong do đuối nước. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Tại Việt Nam, số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy có gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm. Các bước sơ cứu trẻ bị đuối nước. Video: Bệnh viện cung cấp Thúy Quỳnh Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress