Trong vòng chưa đầy mười giờ đồng hồ ngày 7/7, ở huyện Kon Plông xảy ra 12 trận động đất gây dư chấn dao động từ 2.5 - 4.2 độ, theo Viện Vật lý địa cầu. Trận đầu tiên xảy ra lúc 9h31, độ lớn 3.9 độ, độ sâu khoảng 8.1 km. Sau đó, liên tiếp xảy ra 11 trận động đất khác với các cường độ khác nhau, dao động từ 2.5-4.2 độ. Trận động đất gần nhất được ghi nhận lúc19h56 với độ lớn 2.5 độ và độ sâu khoảng 8.1 km. Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu tiếp tục theo dõi các trận động đất này. Tâm chấn trận động đất mạnh 4.2 độ trong sáng 7/7. Nguồn: Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần Chia sẻ với VnExpress, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, nhận định là động đất kích thích, xảy ra do hồ chứa thủy điện tích nước. Hồi tháng 8/2022 trong 2 ngày xảy ra liên tiếp 12 trận động đất. Theo TS Xuân Anh, hiện tượng lặp lại này cho thấy "động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ. Có những thời điểm động đất theo một chuỗi, có thời kỳ thi thoảng vài trận, liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện", ông nói. So với vài ngày trước đó số lượng trận động đất ghi nhận nhiều hơn rõ ràng, song vẫn nằm trong chuỗi động đất kích thích và trong dải động đất yếu. Do đó động đất cực đại khu vực không vượt quá 5.5 độ. Ông Xuân Anh cho biết, hiện vẫn cần tiếp tục quan trắc hoạt động động đất để phát hiện nếu có bất thường sẽ thông báo để người dân yên tâm. Hiện chưa ghi nhận thiệt hại về người. Trước đó PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, chuyên gia địa chấn Viện Vật lý địa cầu từng chia sẻ với VnExpress về nguyên nhân xảy ra động đất kích thích được hiểu là do tác động của con người vào thiên nhiên, chứ không phải động đất thiên nhiên như ở các khu vực phía bắc, do đới đứt gãy tự nhiên. Theo PGS Phương, động đất kích thích có quy luật dễ hiểu, phần lớn xảy ra ở khu vực có hồ chứa hoạt động, nhất là hồ thủy điện hoặc hồ chứa tích nước lớn. Khi hồ chứa tích nước, lượng nước gây ra sức ép lớn xuống đáy hồ, kết hợp với những đứt gãy địa phương (dù nhỏ), gia tăng ứng suất của cột nước lớn sẽ gây ra động đất kích thích. Các trận động đất kích thích thường là một chu kỳ, xảy ra sau thời gian tích nước và thời kỳ mùa mưa. Khi đã lên một đỉnh nào đó sẽ bắt đầu nhỏ dần đi, thành chuỗi các trận động đất trung bình và vừa, sau đó tắt dần. "Thời gian tắt dần bao lâu sẽ cần phải nghiên cứu, phụ thuộc vào các trạm quan trắc địa phương, do ở những vùng khác nhau thì chu kỳ lặp lại cũng sẽ khác nhau", ông nói. Theo chuyên gia, động đất tại Kon Plông, địa bàn xây thủy điện Thượng Kon Tum có điểm chung với hiện tượng ở đập thủy điện Sông Tranh 2, Quảng Nam - đều là động đất kích thích, xảy ra ở khu vực hồ chứa. Khi các nhà máy thủy điện hoạt động làm tăng ứng xuất gây sức ép xuống lòng đất, dẫn tới dịch trượt làm phát sinh động đất. Tháng 3/2021, thủy điện Thượng Kon Tum tích nước phát điện. Từ tháng 4/2021, động đất liên tiếp xảy ra tại Kon Plông và các huyện lân cận, tần suất các trận cũng tăng đột biến sau đó. Thống kê trong 117 năm, từ 1903 đến 2020, khu vực Kon Plông chỉ ghi nhận khoảng 33 trận động đất, từ 2,5 độ trở lên. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay nơi đây đã xảy ra trên 200 trận động đất mới. Các chuyên gia đều cho rằng rất khó dự báo chính xác thời điểm xảy ra động đất. Như Quỳnh Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress