Bỏ lỡ làn sóng AI dù chi 140 tỷ USD đón đầu

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Jul 6, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 136)

    Tỷ phú Masayoshi Son quyết biến SoftBank thành "công ty chuyên đầu tư cho cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo", nhưng lại bỏ lỡ làn sóng AI tạo sinh.


    Từ cách đây gần 6 năm, Masayoshi Son thành lập Vision Fund - quỹ đầu tư tập trung vào công nghệ lớn nhất thế giới khi đó với số vốn hơn 100 tỷ USD. Đến 2019, quỹ Vision Fund 2 hình thành. Tổng vốn hai quỹ có lúc vượt 154 tỷ USD.

    "Chúng tôi không chỉ đầu tư một cách liều lĩnh", ông Son nói với các nhà đầu tư vào năm 2018. "Chúng tôi đang tập trung vào chủ đề quan trọng nhất, đó là AI".

    Theo WSJ, khoảng 140 tỷ USD đã được rót vào hơn 400 công ty sau đó. Tham vọng của Son với khoản chi chưa từng có này là biến SoftBank thành "công ty đầu tư cho cuộc cách mạng AI".


    [​IMG]

    Masayoshi Son. Ảnh: WSJ/Zuma


    Thế nhưng, cơn sốt AI tạo sinh, dẫn đầu là ChatGPT của OpenAI, lại không có sự tham gia của SoftBank. Theo dữ liệu từ PitchBook, tập đoàn có trụ sở tại Tokyo chỉ đầu tư vào một trong số 26 công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo có sức sáng tạo trị giá trên một tỷ USD.

    Tại cuộc họp thường niên của công ty vào tháng 6, Son một lần nữa cam kết đi đầu về AI. Ông dự đoán công nghệ này sẽ "định hình lại loài người", cũng như cống hiến hết mình để phục vụ tương lai đó. Tuy nhiên, tỷ phú hiện sở hữu khối tài sản gần 12 tỷ USD cũng thừa nhận "đã khóc trong một số khoảnh khắc" năm ngoái, đồng thời "xấu hổ vì đã phạm nhiều sai lầm".

    Nhiều tiền, có tầm nhìn nhưng thiếu chiến lược

    SoftBank cho biết 90% các công ty được quỹ Vision Fund hỗ trợ đang ứng dụng AI trong hoạt động hàng ngày của họ. Phần lớn được sử dụng cho các nhiệm vụ như phân tích, dự đoán và đề xuất dựa trên hành vi. Nhưng thực tế, SoftBank đã bỏ lỡ làn sóng AI.

    Trong giai đoạn từ 2017 đến giữa 2022, trong các cuộc họp công khai, ông đã đề cập đến trí tuệ nhân tạo ít nhất 500 lần. Tầm nhìn của CEO SoftBank là AI sẽ "định hình lại mọi ngành, mở ra làn sóng mới mạnh mẽ" trong cuộc cách mạng thông tin. Ông cũng xác định sẽ tìm kiếm những công ty khởi nghiệp hàng đầu với trọng tâm "AI là ưu tiên số một".

    Tuy nhiên, trong suốt gần 6 năm kể từ khi Son tạo nên Vision Fund với 100 tỷ USD đầu tiên, SoftBank không tìm được nhiều doanh nghiệp AI sáng tạo - các đơn vị vốn có quy mô rất nhỏ, phát triển âm thầm và không phải loại hình khởi nghiệp mà SoftBank thường hỗ trợ.

    Đầu 2022, SoftBank gần như ngừng đầu tư vào startup khi lĩnh vực công nghệ bước vào giai đoạn "mùa đông", còn hãng chịu khoản lỗ kỷ lục. Nhưng sau đó, một loạt công ty AI sáng tạo lại bùng nổ, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, đỉnh điểm là OpenAI tung ra ChatGPT. Các đối thủ SoftBank lúc này đã hưởng thành quả, còn công ty của Son lại trở thành bên chậm chân.

    Ngoài ra, chiến lược của SoftBank trong những năm đầu tư là không tập trung vào việc phát triển công nghệ AI. Thay vào đó, họ đổ tiền vào các công ty ứng dụng AI. Chẳng hạn, Son chi hàng tỷ USD cho các hãng xe tự lái - những bên có xu hướng sử dụng AI để tìm hiểu cách con người lái xe và phản ứng với các chướng ngại vật trên đường.

    Theo giới chuyên gia, việc Son không thành công dù đã chi "tiền tấn" cho thấy khó khăn mà giới đầu tư đang đối mặt trước các làn sóng công nghệ, dù đã dự đoán trước. "Ngay cả khi có số tiền khổng lồ đem trải rộng trên hàng chục công ty và lĩnh vực của ngành, việc chọn ra người chiến thắng vẫn là trò chơi khó nắm bắt", WSJ bình luận.

    Không chỉ công ty khởi nghiệp, SoftBank cũng có xu hướng chi nhiều hơn vào doanh nghiệp lớn, như Meta và Nvidia. Tuy nhiên, quỹ của Son được đánh giá không đủ kiên nhẫn. Chẳng hạn, dù từng đầu tư bốn tỷ USD năm 2017 vào Nvidia, SoftBank sau đó đã bán hết cổ phần vào năm 2019. Kể từ đó, cổ phiếu Nvidia tăng hơn 10 lần và lần đầu có vốn hóa vượt 1.000 tỷ USD vào tháng trước.

    Không phải tất cả khoản đầu tư của SoftBank đều thất bại. Hãng vẫn hưởng lợi từ sự bùng nổ AI khi mua lại nhà thiết kế chip ARM vào năm 2016 với giá 32 tỷ USD. Đến nay, ARM được định giá hơn 60 tỷ USD, dù từng suýt sáp nhập vào Nvidia.

    Các chuyên gia cho rằng ARM giờ là điểm sáng hiếm hoi của Softbank. "Việc công ty chip tăng giá trị thực sự đang giải cứu SoftBank khỏi các khoản đầu tư thảm hại trong quá khứ", Amir Anvarzadeh của công ty nghiên cứu Asymmetric Advisors nhận xét.

    Trong cuộc họp tháng trước, Son một lần nữa nhấn mạnh SoftBank sẽ tiếp tục rót tiền vào AI. "Đã đến lúc chúng ta phản công", ông nói trước các nhà đầu tư.

    Tuy vậy, theo Victor Galliano, một nhà phân tích độc lập, SoftBank đang không biết sẽ chi tiền thế nào để đạt hiệu quả. "ARM có thể có vị trí tốt và hưởng lợi từ làn sóng AI. Nhưng với toàn bộ doanh mục đầu tư của SoftBank, không ai làm nên chiến thắng rõ ràng", Galliano nhận xét.

    Bảo Lâm (theo WSJ)


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - Bỏ lỡ làn sóng AI dù chi 140 tỷ USD đón đầu

Share This Page