TP HCMBé trai 7 tuổi ra sân chơi sau cơn mưa, thấy rắn nên cầm đuôi lên và bị cắn vào ngón tay cái, phải nhập viện cấp cứu. Ngày 4/7, bác sĩ Nguyễn Diệu Vinh, Phó Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bệnh nhi từ Bình Dương được gia đình đưa đến viện ngay nên chưa có dấu hiệu rối loạn đông máu và yếu liệt như những trường hợp khác. Sau ba ngày theo dõi điều trị, bé được xuất viện. "Rắn hổ mèo cắn nếu nhập viện muộn có thể nguy hiểm tính mạng", bác sĩ nói. Mới đây, bệnh viện điều trị bé 22 tháng tuổi bị rắn này cắn vào chân, do vào viện trễ nên sốc nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân. Các bác sĩ áp dụng nhiều biện pháp như cho thở máy, lọc máu mới cứu sống được bé. Theo bác sĩ Trần Thị Bích Kim, Phó Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, hổ mèo là loài rắn độc thường gặp. Nọc rắn hổ mèo có khả năng gây viêm mô tế bào, hoại tử mô, chèn ép khoang ở vùng cơ thể bị cắn, diễn tiến muộn sẽ nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân. Do không có huyết thanh kháng nọc rắn, bệnh nhân được hỗ trợ điều trị bảo tồn, điều trị viêm mô tế bào và hoại tử mô. Trường hợp diễn tiến nặng, bệnh nhân cần được lọc máu, thở máy, kháng sinh phổ rộng. Năm ngoái, một người đàn ông ở Bình Phước tử vong do bị rắn hổ mèo trên hàng rào trước nhà cắn, sau đó đến một thầy lang chữa bằng mẹo dân gian mà không vào bệnh viện. Bé trai bị rắn cắn vào ngón tay cái. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Bác sĩ Kim khuyến cáo mọi người chủ động phát quang sân vườn, tránh nơi rắn trú ẩn, đặc biệt là thời điểm mùa mưa. Mang giày kín, mặc quần dài phủ bên ngoài cho trẻ khi đi chơi dã ngoại. Giúp trẻ hiểu và tuyệt đối không đến gần các khu vực dễ có rắn như bụi rậm, đống đổ nát. Nhắc trẻ nếu thấy rắn hãy lùi lại chậm rãi và không đụng hay lấy cây chọc vào. Nếu chẳng may bị rắn cắn, trẻ cần thông báo ngay với người lớn để nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất, đảm bảo điều trị kịp thời. Nên rửa sạch vết cắn để tránh nhiễm trùng, bất động chi bị cắn, đặt chi thấp hơn so với tim khi di chuyển. Không nên rạch da, nặn hút vết cắn hoặc đắp lá cây lên vết cắn vì làm tăng nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng. Hạn chế buộc ga-rô phía trên vết cắn vì làm tăng nguy cơ hoại tử chi bị cắn. Nên ghi nhận đặc điểm con rắn; hoặc nếu bắt được, đập chết con rắn và mang theo để giúp bác sĩ xác định chính xác loại rắn cắn, từ đó quyết định điều trị huyết thanh kháng nọc rắn thích hợp. Lê Phương Adblock test (Why?) Nguồn: VNExpress